Thặng dư thương mại không đồng nghĩa với thặng dư về dòng tiền
Thặng dư hoàn toàn do các doanh nghiệp FDI
Kết quả trên phần nào đang cho thấy đúng với mục tiêu điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ. Đó là tăng cường mở rộng hội nhập với nền kinh tế của thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, kết quả trên cũng chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng khi mà toàn bộ thặng dư thương mại do khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại. Theo đó, trong khi khối các doanh nghiệp FDI thặng dư tới 25,8 tỉ đô la Mỹ thì cán cân thương mại của khối các doanh nghiệp trong nước lại thâm hụt tới 18,6 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng của năm 2018. Điều đáng chú ý là xu hướng trên vẫn đang gia tăng, tức là thặng dư của khu vực FDI ngày càng tăng và thâm hụt từ khu vực trong nước cũng ngày càng lớn.
Thặng dư thương mại kỷ lục nhưng không có dòng tiền bằng ngoại tệ đi kèm
Kết quả trên sẽ không có nhiều vấn đề để bàn luận nếu thực tế dòng tiền bằng ngoại tệ cũng diễn ra đúng như vậy. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ trong thời gian qua đã chỉ ra rằng thặng dư thương mại nhưng không thặng dư về dòng tiền. Tính từ tháng 7-2018, thời điểm mà cán cân thương mại đánh dấu xu hướng tăng cao liên tục, tỷ giá vẫn chịu áp lực tăng giá, tức là tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ. Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục bán ra ngoại tệ để hỗ trợ cho tiền đồng. Con số ước tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới trên 6 tỉ đô la Mỹ (tính từ ngày 13-7-2018 đến nay). Đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của nhiều người từ trước đến nay. Như vậy, thâm hụt thương mại của các doanh nghiệp trong nước được xem là tương ứng về dòng tiền; do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản và nhập khẩu máy móc thiết bị. Trong khi đó, thặng dư từ các doanh nghiệp FDI sẽ không mang lại dòng tiền tương ứng; do các doanh nghiệp này nhập khẩu máy móc thiết bị vào Việt Nam, sau quá trình lắp ráp rồi lại xuất khẩu đi các nước khác. Diễn biến này cho thấy tiền đồng sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong trung và dài hạn do cầu sẽ lớn hơn cung về ngoại tệ trên thị trường Việt Nam.
Như nhấn mạnh ở trên, thặng dư thương mại của Việt Nam hoàn toàn do sự đóng góp của khu vực FDI, trong đó, chủ yếu đến từ Samsung. Phân tích ở trên cũng cho thấy rằng rất có thể dòng tiền xuất khẩu của Samsung đang chạy lòng vòng giữa các tài khoản của công ty này bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc có chạy về Việt Nam nhưng Samsung không có nhu cầu chuyển sang tiền đồng. Thậm chí một vài doanh nghiệp FDI lấy Việt Nam làm thị trường tiêu thụ chính còn có nhu cầu mua nhiều hơn là nhu cầu bán ngoại tệ để chuyển về nước. Đó là trường hợp của Formosa, công ty này gần như phải nhập khẩu 100% thép phế liệu và quặng sắt từ nước ngoài, trong khi phôi thép sản xuất ra sẽ được tiêu thụ 50% tại Việt Nam. Tương tự Formosa, Samsung cũng tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm, ước tính lên tới vài tỉ đô la Mỹ tại thị trường Việt Nam...