|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tháng 9: Khối ngoại gia tăng rút ròng tạo sức ép lên VN-Index

07:00 | 02/10/2023
Chia sẻ
NĐT nước ngoài bán ròng 4.466 tỷ đồng trên sàn HOSE, riêng khớp lệnh là 5.238 tỷ đồng. Đây là quy mô bán mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây.

VN-Index kết thúc tháng 9/2023 ở mốc 1.154,15 điểm, giảm 69,9 điểm tương đương 5,71% so với tháng 8. Theo thống kê từ FiinTrade, giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên toàn thị trường đạt 24.444 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước, tăng 44,8% so với trung bình 5 tháng gần đây. Giá trị giao dịch bình quân này hiện chỉ thấp hơn 11% so với thanh khoản giai đoạn VN-Index lập đỉnh.

Trong 3 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2023, thanh khoản bình quân trên 3 sàn ở mức khá thấp với 18.634 tỷ đồng, giảm gần 50% so với mức cao nhất trong tháng và 30% so với bình quân tháng. VN-Index cũng giảm gần 8% so với vùng đỉnh gần nhất, điều này cho thấy áp lực cung tương đối lớn trong khi cầu vẫn ở trạng thái thận trọng.

Trong tháng vừa qua, khối ngoại là một trong ba chủ thể bán ròng, bên cạnh khối tự doanh và các tổ chức trong nước. Chiều ngược lại, NĐT cá nhân duy trì vị thế mua ròng mặc dù có tín hiệu đảo chiều về cuối tháng.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Khối ngoại bán ròng trên HOSE mạnh nhất 1 năm qua

Trong tháng 9, NĐT nước ngoài bán ròng 4.466 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ xả ròng 5.238 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với quy mô 1.601,1 tỷ đồng.

Theo sau đó, STB cũng bị bán ròng 841,1 tỷ đồng. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng cũng gọi tên nhiều mã vốn hóa lớn như VIC (819 tỷ đồng), VCI (376,9 tỷ đồng), MSN (305,1 tỷ đồng), SHB (287,6 tỷ đồng), CTG (273 tỷ đồng), SSI (268,3 tỷ đồng).

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND và FUESSVFL cũng bị rút ròng lần lượt 563,3 tỷ và 398,6 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VPB của VPBank được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 692,7 tỷ đồng trong tháng 9. Theo quan sát, cổ phiếu của ông lớn ngành sữa được chuyển từ bán ròng liên tiếp 4 tháng trước đó sang mua ròng trong tháng 9.

Trong một báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Yuanta (Yuanta Việt Nam) nhận định VPBank là ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn dồi dào nhờ bán 49% cổ phần FE Credit vào năm 2021 và 15% vốn điều lệ của VPBank cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trong năm 2023.

Ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ CAR sẽ tăng lên khoảng 19% sau khi phát hành riêng lẻ cho SMBC, đây là tỷ lệ CAR cao nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng nhờ CAR ở mức cao sau phát hành riêng lẻ và việc VPBank tham gia vào việc tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt trội hơn so với các ngân hàng khác. Dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023 sẽ tăng thêm 5 điểm% lên 25% so với năm trước và đạt mức 26% trong năm 2024.

Trở lại với giao dịch của nhóm NĐT nước ngoài, đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 là mã VNM của Sữa Việt Nam với quy mô 636,1 tỷ đồng. Ở nhóm bất động sản, xây dựng, cổ phiếu PDR và VCG cũng được dòng tiền ngoại giải ngân ròng 445 tỷ và 209,8 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền ngoại còn tìm đến nhiều đại diện thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán như VCB, VIX, BSI, FTS với giá trị 170 – 273 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Dòng tiền ngoại đảo chiều mua ròng hơn 356 tỷ đồng trên HNX

Giao dịch cùng chiều, NĐT nước ngoài quay đầu mua ròng hơn 356 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 9.

Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HUT của Công ty Cổ phần Tasco với quy mô 195,1 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã IDC (120,8 tỷ đồng), PVS (89,3 tỷ đồng), BVS (16,6 tỷ đồng) và TIG (15,9 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu SHS với quy mô 44,5 tỷ đồng. Những cổ phiếu kế đó lần lượt bị rút vốn là DTD (27,3 tỷ đồng), NVB (26,5 tỷ đồng), MBS (10,5 tỷ đồng), PSD (4,7 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

NĐT ngoại bán ròng gần 127 tỷ đồng trên UPCoM, BSR được mua hơn 200 tỷ đồng

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại quay đầu bán ròng gần 127 tỷ đồng. Thống kê cụ thể, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn được NĐT nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 209,8 tỷ đồng, bỏ xa các giao dịch giải ngân theo sau là LTG (17,3 tỷ đồng), MCH (13,3 tỷ đồng), GHC (5 tỷ đồng), PAT (4 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP là vẫn tâm điểm bán ròng với gần 40,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACV và VTP lần lượt bị rút ròng với giá trị 30,4 tỷ và 20,3 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 20 tỷ đồng gồm OIL, QNS, MPC, VSN, VGG, ABI, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.