Tháng 3, Hà Nội sẽ đấu giá hàng trăm thửa đất ở với mức giá điều chỉnh tăng cao

(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN).
Đáng chú ý, UBND huyện Sóc Sơn dự kiến đấu giá lại 36 thửa đất tại xã Quang Tiến do đấu giá không thành công hồi tháng 11/2024 với giá trả bất thường lên đến 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần so với giá khởi điểm), buộc cơ quan Công an TP Hà Nội phải ra Quyết định tạm giữ đối với 5 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", được quy định tại Khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015…
Theo Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân, 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá vào ngày 8/3 có diện tích từ 90 - 220,6 m2; giá khởi điểm được nâng lên gấp 3,7 lần so với mức giá cũ (khoảng hơn 9,1 triệu đồng/m2). Người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước từ 164 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng/thửa đất.
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, theo quy chế mới, các thửa đất trên được tổ chức theo hình thức đấu giá một vòng, bước giá 100.000 đồng/m2 để tránh việc lợi dụng thông đồng nâng hoặc dìm giá.
Thời điểm năm 2024, phiên đấu giá thực hiện theo phương thức đấu giá nhiều vòng (tối thiểu 6 vòng, bước giá 3 triệu đồng/m2).
Cũng ngay đầu tháng 3, UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức đấu giá 54 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao.
Đây là những thửa đất được đấu giá vào tháng 8/2024 nhưng toàn bộ các thửa đất trúng với giá từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2 (cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm) đều bỏ "cọc"; chỉ có 13 thửa đất có giá trúng từ 51,6 - 55 triệu đồng/m2 hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Theo quy định, phiên đấu giá ngày 1/3 tới đây của huyện Thanh Oai, 54 thửa đất được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 6 thửa đất, giá khởi điểm khoảng 16,3 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 30% so với giá khởi điểm cũ); nhóm 2 có 24 thửa, giá khởi điểm 15,6 triệu đồng/m2; nhóm 3 có 24 thửa, giá từ 10,9 triệu đồng/m2 (tăng hơn 26% so giá cũ).
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, tổng diện tích 54 thửa đất là 4.405,04 m2; các thửa đất có diện tích từ 60,01 m2 đến 85 m2.
Hình thức là đấu giá theo nhóm các thửa đất bằng bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng. Với mỗi nhóm các thửa đất đấu giá, người tham gia đấu giá được phát một phiếu trả giá để ghi giá trả. Số tiền đặt trước từ 130 - 265 triệu đồng mỗi thửa…
Cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND, ngày 20/12/2024, sửa đổi và bổ sung nội dung tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố.
Theo đó, bảng giá đất hiện hành tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025, thay vì kết thúc vào năm 2024 như quy định trước đó. Đáng chú ý, so với bảng giá đất năm 2019, bảng giá đất được điều chỉnh theo Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND có mức tăng từ 2 đến 6 lần đối với đất ở.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, bảng giá đất Hà Nội được áp dụng từ năm 2020 đến ngày 31/12/2024 theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND đã trải qua nhiều lần điều chỉnh bằng công cụ hệ số K.
Hệ số K, hay hệ số điều chỉnh giá đất, là một công cụ được quy định trong Luật Đất đai 2013 để xác định giá đất cụ thể dựa trên giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương và bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
Hệ số K cũng được sử dụng để điều chỉnh giá đất tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, giúp điều chỉnh giá đất trong các trường hợp cụ thể, bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, theo Luật Đất đai 2024, từ ngày 1/8/2024, hệ số K đã bị loại bỏ trong một số trường hợp, thay vào đó bảng giá đất được điều chỉnh tiệm cận giá thị trường. Điều này bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch đất đai, đồng thời đơn giản hóa quy trình định giá đất, giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, việc loại bỏ hệ số K là một bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách đất đai. Bảng giá đất theo Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND được xây dựng trên cơ sở hệ số K và bảng giá đất năm 2019, nhưng đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu mới Luật Đất đai 2024.
Do đó, mức tăng chưa có gì đột biến, kể cả với các tuyến đường được đầu tư nâng cấp hoặc có vị trí đắt đỏ. Việc điều chỉnh này không gây xáo trộn lớn trên thị trường, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Ông Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, việc điều chỉnh bảng giá đất tại Hà Nội có nhiều tác động tích cực đến quản lý và sử dụng đất, đặc biệt ở các khía cạnh, như đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, giải phóng mặt bằng và thiết lập chính sách tài chính.
Đặc biệt, đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảng giá làm cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.
Do đó, việc điều chỉnh bảng giá đất tăng tiệm cận với giá thị trường là cấp thiết, nhằm bảo đảm được nguồn thu từ hoạt động đấu giá đất.
Bên cạnh đó, việc bảng giá tiếp cận gần hơn với giá thị trường giúp giảm bớt sự chênh lệch, thiết lập cơ chế quản lý đất đai đồng bộ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Quan trọng hơn, điều chỉnh này cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách thông qua các khoản thuế, phí và nghĩa vụ tài chính về đất, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trong thời gian tới.