Tháng 3/2020: Khối ngoại rút ròng gần 9.000 tỉ đồng, xả nghìn tỉ đồng cổ phiếu MSN và HPG
Khối ngoại rút ròng gần 8.950 tỉ đồng trong tháng 3/2020
Sau những phiên tâm lí nhà đầu tư ổn định trở lại cuối tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến đà bán tháo mạnh mẽ trong tháng 3. Đà giảm điểm của chứng khoán toàn cầu và sự tăng lên nhanh chóng của số ca bệnh nhiễm COVID-19 là những tác nhân chính tác động đến đà giảm điểm cảu thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng khiến chỉ số giảm sâu. Theo đó, khối ngoại bán ròng tổng cộng 8.948 tỉ đồng trên toàn thị trường trong tháng 3, ghi nhận tháng bán ròng mạnh nhất trong quí đầu năm nay
Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
Hoạt động bán ròng trên HOSE diễn ra trong hầu hết các phiên giao dịch. Tổng giá trị bán ròng trên sàn này đạt 7.952 tỉ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, khối ngày "xả" 7.736 tỉ đồng với khối lượng hơn 313 triệu đơn vị. Chứng chỉ quĩ ETF nội cũng bị bán ròng với giá trị gần 102 tỉ đồng, tương ứng gần 6,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX và thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 881 tỉ đồng và 115 tỉ đồng trong tháng 3. Riêng sàn HNX, giá trị bán ra ghi nhận sự đột biến trong tháng 3 với giá trị 1.012 tỉ đồng, gấp đôi tháng trước đó. Trong khi đó, diễn biến giao dịch của NĐT nước ngoài trên thị trường UPCoM không có nhiều biến động.
Những mã được khối ngoại giao dịch nhiều nhất trên HOSE
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro
Thống kê giao dịch chi tiết trên sàn HOSE, đáng chú ý, NĐT nước ngoài bán ròng nghìn tỉ hai mã MSN và HPG, giá trị tương ứng 1.465 tỉ đồng và 1.057 tỉ đồng. Trong tháng 3, thị trường liên tục ghi nhận giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu MSN, gần nhất là giao dịch thỏa thuận 10,2 triệu cp MSN phiên 25/3 với giá trị giao dịch 503 tỉ đồng.
Mới đây, liên quan đến thương hiệu Vincommerce vừa về tay Masan, Techcombank vừa nâng hạn mức tín dụng cho Vincommerce từ 600 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Thời gian sử dụng hạn mức tín dụng của Vincommerce là 12 tháng kể từ ngày 7/10/2019.
Cùng chiều bán ròng, nhóm cổ phiếu "họ Vingroup" theo sau gồm VHM ghi nhận giá trị 695 tỉ đồng, VIC (589 tỉ đồng) và VRE (552 tỉ đồng). Đầu tháng 3, Vinhomes công bố việc nhận chuyển nhượng cổ phần trong CTCP Đầu tư KCN Vinhomes, qua đó trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Như vậy, Vingroup chính thức lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp nhằm đón xu hướng tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tại giao dịch cổ phiếu, khối ngoại còn bán ròng mã VJC (421 tỉ đồng), SVC (330 tỉ đồng), GAS (224 tỉ đồng) và VCB (232 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài rót vốn vào cổ phiếu PHR (133 tỉ đồng), đây là cổ phiếu duy nhất đạt giá trị trên trăm tỉ ở chiều mua ròng. Mặt khác, khối ngoại gom dưới trăm tỉ các mã như VNM (66,6 tỉ đồng), CTG (60,5 tỉ đồng), ngoài ra còn có SCS, TCH, KDG, SAB, GAB và CVT.
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, khối ngoại tập trung mua ròng mã FUESSVFL giá trị 202 tỉ đồng trong khi xả 341 tỉ đồng chứng chỉ E1VFVN30 trong tháng 3.
Những mã được khối ngoại giao dịch nhiều nhất trên HNX
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro
Trên sàn HNX, dòng vốn ngoại chủ yếu rút ròng khỏi cổ phiếu SHB giá trị 518 tỉ đồng, kế đến còn có cổ phiếu PVS (271 tỉ đồng).
Liên quan đến cổ phiếu PVS, giá dầu một tháng qua liên tục giảm sâu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus corona toàn cầu làm suy giảm kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng, chính thức chạm đáy kể từ năm 2002 sau phiên giao dịch 31/3.
Bên cạnh đó, khối ngoại xả dưới trăm tỉ cổ phiếu HUT (48 tỉ đồng), TNG (18 tỉ đồng) và NTP (9,5 tỉ đồng). Cùng với đó, khối ngoại còn bán ròng các mã khác như SHS, IDJ, PGS, PLC, S55.
Trong khi đó, mã dẫn đầu chiều mua ròng là cổ phiếu ART (5 tỉ đồng), ngoài ra còn có VCS (4,2 tỉ đồng). NĐT nước ngoài rót vốn vào SLS, KLF, NBC, LAS… từ 1 – dưới 3 tỉ đồng trong một tháng trở lại đây.
Những mã được khối ngoại giao dịch nhiều nhất trên UPCoM
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro
Giao dịch tại UPCoM, NĐT nước ngoài tạo áp lực xả lên cổ phiếu BSR (59 tỉ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền rút khỏi cổ phiếu QNS (34,5 tỉ đồng), ACV (23,8 tỉ đồng). Hai mã LPB và NTC lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 18,5 tỉ đồng và 12,04 tỉ đồng. Khối ngoại còn bán ròng dưới 10 tỉ đồng các mã GVR, VIB, VPK, SAS và MPC.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ghi nhận giá trị mua ròng cao nhất là VTP (33,29 tỉ đồng), theo sau đó là VEA (11,3 tỉ đồng). Mặt khác, NĐT ngoại gom mã KDF, MCH, KSH với giá trị thấp hơn 5 tỉ đồng. Lọt top mua ròng còn có cổ phiếu VAV, BCM, BDG, HDM, KHD.