|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thận trọng rủi ro nợ xấu khi tín dụng tiêu dùng bứt tốc

13:08 | 29/08/2016
Chia sẻ
Cho vay tiêu dùng không tài sản thế chấp đang được nhiều khách hàng lựa chọn. Nắm bắt nhu cầu này, các ngân hàng và công ty tài chính (CTTC) đưa ra nhiều gói chào mời.

Trong điều kiện này, nếu không thận trọng, không chỉ người vay mà ngay cả đơn vị cho vay cũng sẽ khó tránh được rủi ro nợ xấu tăng, cho dù áp lãi suất cao.

Lãnh đạo các nhà băng cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua, với mức tăng khoảng 30% tại OCB, HDBank, ACB, Techcombank, Sacombank… Tín dụng tiêu dùng là nguồn thu nhập đáng kể trong tổng thu nhập từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng hiện nay, đồng thời đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng nhờ sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay tiêu dùng.

than trong rui ro no xau khi tin dung tieu dung but toc

Cụ thể, tại Sacombank, ACB, Techcombank, VIB… tăng trưởng dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân chiếm trên dưới 50% tổng dư nợ 2 năm gần đây. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân.

Tính đến cuối tháng 7/2016, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM đạt 1,36 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng chứng khoán, tiêu dùng chiếm khoảng 6,8% (tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 60% và chứng khoán là 40%).

Hiện nhiều ngân hàng đã có CTTC trực thuộc và ngay cả những nhà băng chưa có CTTC cũng đã có khối khách hàng cá nhân để đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Sacombank cho biết, chiến lược của Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh cho vay phân tán, nhỏ lẻ. Quả thực, 2 năm qua, khi tín dụng doanh nghiệp sụt giảm, mảng cho vay cá nhân của Sacombank vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng kể, chiếm hơn 50% tổng dư nợ của Ngân hàng.

Bên cạnh đó, đáng chú ý là sự lớn mạnh của khối CTTC trong thời gian qua. FE Credit cho biết, đến nay đã phục vụ gần 3 triệu khách hàng, với các sản phẩm cho vay tiền mặt, vay mua xe máy, thiết bị điện tử gia dụng có giá trị khoản vay lên đến 70 triệu đồng từ 6 - 36 tháng.

Ngoài cho vay mua xe máy, thiết bị điện tử, các CTTC còn đẩy mạnh cho vay tiền mặt. Tại Home Credit, 4 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng doanh số cho vay tiền mặt tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 27% tổng doanh số cho vay của Công ty. Trong số khách hàng của Home Credit, hơn 20% có từ 2 hợp đồng vay tiền mặt trở lên. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiền mặt của Home Credit luôn ở mức hai con số trong giai đoạn 2010 - 2015, với mức tăng trưởng bình quân là 57%.

Lãnh đạo các công ty tài chính cho rằng, với hơn 90 triệu dân, trong đó 75% đang sống ở nông thôn, tương đương 68 triệu người chưa được tiếp cận toàn diện các nhu cầu tài chính tiêu dùng và 22 triệu người ở thành thị cũng là một thị trường chưa khai thác hết, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Chưa kể, với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình đang tăng lên với nhu cầu tiêu dùng rất lớn, lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia ngân hàng đánh giá, tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới khi người tiêu dùng đã bắt đầu quen và nhận biết những lợi ích của hình thức này. Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2017 có thể nói là năm bản lề với việc hàng loạt các ngân hàng “nhảy” vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, thành lập các công ty tài chính, khiến thị trường thực sự sôi động.

Tuy nhiên, nợ xấu là vấn đề cần được lưu tâm khi xu hướng tín dụng tiêu dùng tăng mạnh. Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng được các công ty tài chính và ngân hàng áp dụng ở mức cao, song đây là loại hình tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro. Đáng chú ý, rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các CTTC sẽ cao hơn các tổ chức tín dụng khác, bởi đối tượng khách hàng thường nhỏ, thậm chí đã bị ngân hàng từ chối. Bởi vậy, thời gian qua, NHNN đã kiên trì phối hợp quản lý để kiểm tra, kiểm soát nợ xấu của khối công ty này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 7/2016, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1,36 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng chứng khoán, tiêu dùng chiếm khoảng 6,8% (tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 60% và chứng khoán là 40%).

Tuy nợ xấu cho vay tiêu dùng không tách khỏi tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn, nhưng ông Minh cho biết, đến hết quý I/2016, nợ xấu cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. HCM chiếm khoảng 6% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, cao hơn 2% tổng nợ xấu chung của toàn thành phố. Vì thế, theo ông Minh, nợ xấu cho vay tiêu dùng chưa đáng ngại, nhưng là vấn đề cần được các CTTC và ngân hàng quan tâm. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng và tiến hành thu hồi nợ một cách minh bạch, nhất là ở các CTTC.

Theo Vân Linh ĐTCK