|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Than bắt đầu thất sủng, năng lượng tái tạo lên ngôi?

10:08 | 19/04/2017
Chia sẻ
Nỗi đau đầu của ngành than là giờ đây các hoạt động kinh tế cần ít năng lượng hơn so với trước đây để tạo ra tăng trưởng.
than bat dau that sung nang luong tai tao len ngoi

Nhà máy điện Hazelwood ở bang Victoria, Úc bắt đầu phát điện cách đây 52 năm. Hazelwood là biểu tượng của một thời “than là vua”, nhưng lại là một trong những nhà máy điện ô nhiễm nhất nước Úc. Đó là bởi nhà máy này chạy bằng than nâu của Thung lũng Latrobe, gây ô nhiễm hơn nhiều so với than đen. Hazelwood cuối cùng đã phải đóng cửa vào ngày 31.3 vừa qua.

Trước đó vài ngày, những ống khói đã được dỡ bỏ tại Munmorah, một nhà máy điện chạy than đen ở phía Bắc Sydney, cũng đã khép cửa im lìm. Tính trong vòng 7 năm qua, Úc đã đóng cửa 10 nhà máy điện chạy than. Tuy nhiên, than vẫn tạo ra khoảng 3/4 lượng điện năng của nước này.

Đó cũng là tình cảnh đang diễn ra tại phần lớn các nước châu Á, vốn chiếm 2/3 nhu cầu than của thế giới. Các nền kinh tế lớn nhất ngoài Nhật, vốn hy vọng thay thế năng lượng hạt nhân bằng than “sạch”, hoặc đóng cửa các nhà máy cũ hoặc tính lại kế hoạch xây dựng các nhà máy mới. Động thái này đang phủ bóng mây mờ lên ngành than.

Triển vọng ảm đạm

Có 2 lý do giải thích tình trạng thừa cung ở những nước từ Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Úc (Đông Nam Á vẫn còn dựa vào than). Đầu tiên, nhu cầu điện đang giảm xuống hoặc tăng ít hơn so với dự kiến và điều đó đã tạo áp lực tài chính nặng nề lên các nhà máy điện chạy than.

Thứ 2, các quốc gia đang tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế khí thải nhà kính. Việc chi phí năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn so với than càng làm cho triển vọng ngành than thêm ảm đạm.

Nỗi đau đầu của ngành than là giờ các nước cần ít năng lượng hơn so với trước đây để tạo ra tốc độ tăng trưởng. Đây là điều thường thấy ở các nước phát triển, khi các nền kinh tế chuyển đổi từ sản xuất sang các ngành dịch vụ, sử dụng hệ thống chiếu sáng LED nhiều hơn và sản xuất các thiết bị gia đình (như tủ lạnh, máy điều hòa) tiêu hao ít điện hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Úc và Nhật nằm trong số những nước giàu có mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất.

Trung Quốc và Ấn Độ đi chung một con đường. Nhu cầu năng lượng sơ cấp tại Trung Quốc đã sụt giảm trong năm 2015, mức giảm đầu tiên trong gần 20 năm, chủ yếu phản ánh sự chuyển dịch của nước này ra khỏi ngành sản xuất công nghiệp nặng cũng như cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng đã gia tăng. Trong cùng năm đó, nhu cầu than của Trung Quốc đã giảm mạnh khoảng 4%.

Cùng những lý do tương tự, tăng trưởng nhu cầu điện của Ấn Độ, ở mức khoảng 5% hằng năm, đã tụt đằng sau tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ở mức 7%. Ở cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc, giới chức trách đã “dự tính lố” mức tiêu thụ điện năng, dẫn đến sản xuất điện năng bằng than tăng nhưng cuối cùng lại không được sử dụng. Kết quả là hiện nay các nhà máy than ở cả hai quốc gia nói trên đều chạy thấp hơn rất nhiều so với công suất, theo Tim Buckley thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính.

than bat dau that sung nang luong tai tao len ngoi

Sự lãng phí đó đã làm cản trở hoạt động đầu tư vào các nhà máy chạy than mới. Một báo cáo vào tháng 3 do CoalSwarm và các tổ chức khác thực hiện cho thấy các nhà phát triển ở Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã hoãn kế hoạch xây dựng các nhà máy than quy mô lớn.

Cục Điện Trung ương của Ấn Độ cho rằng không cần phải xây thêm các nhà máy chạy than trong suốt thập niên tới ngoài những dự án đã được lên kế hoạch triển khai. Lý do là có quá nhiều nhà máy không được tận dụng. “Việc tạo ra điện chạy than đang trở nên không khả thi”, E.A.S Sarma, từng là thư ký Bộ Năng lượng Ấn Độ, nhận xét.

Được biết, khoảng 240 triệu người dân Ấn Độ thiếu điện và như Arunabha Ghosh, đứng đầu Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước của Ấn Độ, chỉ ra, tiêu thụ điện của người dân Ấn Độ chưa tới 1/3 mức trung bình toàn cầu.

Ông lưu ý một phần nguyên nhân khiến nhu cầu ảm đạm là tình trạng tài chính kiệt quệ của các công ty phân phối điện của Ấn Độ. Các công ty này thua lỗ trên mỗi đơn vị năng lượng mà họ cung cấp do thất thoát trong quá trình truyền tải điện và do khách hàng không có khả năng thanh toán.

Áp lực từ năng lượng tái tạo

Chính quyền Thủ tướng Narenda Modi đang tìm cách giải quyết vấn đề ở các công ty phân phối điện. Nhưng trong lúc đó, giá năng lượng tái tạo cũng đang giảm nhanh, khiến cho triển vọng đầu tư vào ngành than càng trở nên u ám.

Tại một cuộc đấu giá vào tháng 2 để giành hợp đồng cung cấp 0,75GW năng lượng mặt trời ở Madhya Pradesh, một bang ở miền Trung Ấn Độ, giá đấu ở mức thấp tới 2,97 rupee (4,6 cent) mỗi kilowatt giờ, thấp hơn 1/3 so với mức kỷ lục trước đó vào năm 2016.

Các nhà phát triển cho biết những nhà máy điện chạy than mới sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mức giá này. Buổi đấu giá đặc biệt thành công bởi vì “công viên mặt trời” giờ được kết nối vào lưới điện và có một cơ cấu thanh toán thuận lợi hơn so với các buổi đấu giá trước.

Nhưng Thủ tướng Modi sẽ cần thêm hàng chục công viên năng lượng mặt trời như vậy mới đạt được công suất điện mặt trời 100GW vào năm 2022. Điều này có nghĩa là cần lượng vốn đầu tư rất lớn. Một điều may mắn là giờ không hề thiếu nhà đầu tư muốn nhảy vào thị trường.

Trong khi đó, tốc độ lắp đặt năng lượng mặt trời ở Trung Quốc lại có xu hướng chậm lại, theo sau con số kỷ lục 34GW vào năm ngoái. Dẫu vậy, Bloomberg New Energy Finance ước tính từ năm 2016 công suất năng lượng tái tạo mới tại Trung Quốc đã bắt đầu vượt qua các nhà máy nhiên liệu hóa thạch mới. Hãng tư vấn này cũng ước tính điều tương tự xảy ra ở Ấn Độ kể từ năm 2018.

Ngành than còn vấp phải cạnh tranh đến từ khí đốt hóa lỏng LNG. Bằng chứng là nhập khẩu loại nhiên liệu này vào Trung Quốc đã tăng 37% trong năm 2016 và vào Ấn Độ tăng 30%. Điều này một phần cho thấy nguồn cung từ Úc đang tăng mạnh.

Mặc dù LNG từ Úc có thể được chào đón ở châu Á và giúp làm lợi cho nền kinh tế Úc với các khoản đầu tư có tổng trị giá 200 tỉ đô la Úc (150 tỉ USD) trong một thập niên, nhưng chúng lại đang gây những vấn đề không mong đợi ở thị trường điện năng quê nhà.

Đó là bởi sau các vụ mất điện ở Nam Úc vào năm ngoái, các bang ở Úc cần nhiều khí hơn giữa lúc họ đã đóng cửa các nhà máy điện chạy than, nhưng lại chứng kiến phần lớn khí được xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là châu Á. Năm ngoái, sản lượng khí LNG đã tăng 56% và giờ hơn gấp đôi sản xuất trong nước. Nhưng đồng thời, khí nội địa của Úc đã tăng lên theo giá xuất khẩu, từ đó đẩy mạnh chi phí năng lượng hộ gia đình ở nước này.

Lượng thiếu hụt khí này không dễ bù đắp, khi nhiều bang ở Úc đã hạn chế hoặc cấm khoan khí đốt vỉa than do những quan ngại về môi trường. Trong lúc đang chờ lượng cung khí tăng lên, một số kêu gọi Chính phủ giữ lại một phần khí xuất khẩu để dành tiêu thụ nội địa. Matt Canavan, Bộ trưởng Tài nguyên Úc, thừa nhận các vấn đề khí của Úc đã khiến ông không ngủ được. Tuy nhiên, nếu làm vui lòng bằng cách trữ khí thì cũng tạo ra làn sóng phản đối. Vì thế, có thể sẽ vẫn phải quay trở lại dựa vào than, ít nhất trong một khoảng thời gian nữa.

Đàm Hoa