Tham vọng của bầu Thụy tại LienVietPostBank và chiếc ghế Chủ tịch HĐQT
Theo các tài liệu đã được xác nhận ngay trước thềm ĐHĐCĐ LienVietPostBank diễn ra vào chiều nay 29/4, cá nhân ông Nguyễn Đức Thụy nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu LPB, tương đương khoảng 3% vốn điều lệ ngân hàng.
Mới đây, dựa trên đề nghị của LienVietPostBank, Ngân hàng nhà nước đã có công văn chấp thuận chủ trương giới thiệu ông Thụy vào HĐQT ngân hàng này.
So với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, vị cựu Chủ tịch của Thaiholdings, Thaigroup và Khách sạn Kim Liên vẫn còn dư địa khoảng 2% để có thể trở thành cổ đông lớn và đạt mức trần nắm giữ 5% vốn của LPB, con số tối đa mà luật cho phép một cổ đông cá nhân nắm giữ tại một tổ chức tín dụng không thuộc diện "đặc biệt".
Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy tham vọng và tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Thụy tại đây không đơn giản chỉ là 3% vốn, hay ứng viên thành viên HĐQT.
Thứ nhất, theo thống kê 10 ngày gần nhất, khối lượng giao dịch (KLGD) cp LPB tiếp tục ở mức cao, khoảng 16 triệu cp mỗi ngày. Trong đó, có những nguồn tin nói rằng ông Thụy đang tiếp tục mua gom, mặc dù thị giá cp LPB đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 tháng qua, hiện gần chạm mốc 21.000 đồng/cp.
Đà tăng của LPB trong giai đoạn trước được lý giải một phần bởi mức tăng bùng nổ của thị trường, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Nhưng LPB kéo dài chuỗi sắc xanh bất chấp thị trường rung lắc mạnh trong tuần vừa qua kèm khối lượng giao dịch lớn phần nào cho thấy lực cầu của nhóm mua vào vẫn còn rất lớn.
Thứ hai, việc ông bầu gốc Ninh Bình không ngừng tăng lượng nắm giữ cổ phiếu LPB không giống với một nhà đầu tư tài chính đơn lẻ.
Tại một hoạt động xã hội chung hồi tháng 2 năm nay, trong thông báo báo chí do Thaiholdings (nơi ông Thụy không còn là Chủ tịch HĐQT nhưng đang là cổ đông lớn nhất với khoảng 85 triệu cp) phát hành thể hiện rằng ông Thụy là "đại diện nhóm cổ đông lớn" của LienVietPostBank.
Bên cạnh ông bầu này trong sự kiện đó, có sự góp mặt của Phó Chủ tịch thường trực kiêm CEO LienVietPostBank - ông Phạm Doãn Sơn.
Thứ ba, bản thân LienVietPostBank và Thaiholdings (mã CK: THD) trong thời gian qua có nhiều giao dịch đáng chú ý. Ngoài các khoản vay thông thường của Thaiholdings tại LienVietPostBank, hồi đầu năm ngoái ngân hàng này đã bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để thuê 6 tầng khối đế tòa nhà đất vàng Thaiholdings Tower tại 17 Tôn Đản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong 5 năm.
Hội sở của LienVietPostBank đã được chuyển về đây, gần với hội sở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank. Những bảng LED cỡ lớn quanh 4 mặt tòa nhà luôn hiển thị đồng thời hai cái tên LienVietPostBank và Thaiholdings.
Mảnh đất vàng hai mặt tiền 17 Tôn Đản - 210 Trần Quang Khải từng là tài sản của Him Lam, doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch LienVietPostBank.
Việc bầu Thụy và LienVietPostBank cùng xây dựng đại bản doanh của Thaiholdings và ngân hàng trên mảnh đất này sau nhiều năm nắm giữ và từ chối nhiều lời đề nghị mua lại hấp dẫn phần nào cho thấy mối quan hệ giữa ông và ông Dương Công Minh không phải là mới phát sinh.
Đến nay, việc ông Nguyễn Đức Thụy đại diện cho cổ đông lớn hay nhóm cổ đông nào vẫn chưa được xác nhận.
Nhưng có thể thấy được sự thân thiện và gần gũi giữa ông bầu này với LienVietPostBank. Tại ĐHĐCĐ chiều nay (29/4), ông Thụy sẽ không trực tiếp biểu quyết mà ủy quyền tham dự và biểu quyết cho chính ông Phạm Doãn Sơn.
Sẽ không logic để lý giải sự ủy quyền này, nếu một cổ đông đang muốn bước vào HĐQT và không có sự tin tưởng thống nhất với người được ủy quyền, cũng chính là lãnh đạo đương nhiệm của LienVietPostBank.
Trong tài liệu ĐHĐCĐ do HĐQT ký trình đại hội sau khi "đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng", những lời nhận xét tốt đẹp cũng được dành cho ứng viên HĐQT Nguyễn Đức Thụy: "… có kinh nghiệm nhiều năm giữ chức danh quản lý, điều hành của các doanh nghiệp lớn, luôn chấp hành các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của đơn vị công tác".
Sự xuất hiện cùng nhau của bộ máy lãnh đạo LienVietPostBank bắt đầu rõ rệt từ nghi lễ đánh cồng niêm yết trên HoSE của ngân hàng này hồi cuối năm 2020, ngay sau đó là đợt cao điểm giao dịch khối lượng lớn cp LPB ngay sau khi lên sàn.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Colorado (Mỹ), trong năm 2020 ông Nguyễn Đức Thụy đã liên tục từ nhiệm chức danh Chủ tịch tại các công ty do ông và gia đình khai sinh và quản lý, như Thaigroup, Thaiholdings, Công ty CP Du lịch Kim Liên, Công ty CP Enclave Phú Quốc. Hiện ông Thụy cũng không nắm chức quản trị hay điều hành ở công ty nào.
Theo các quy định hiện hành của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Quy định này ra đời từ năm 2017, chứng kiến sự thoái nhiệm của hàng loạt ông chủ lớn của các DN lâu năm.
Những động thái ở thượng tầng LienVietPostBank và cá nhân ông Nguyễn Đức Thụy gần như phản ánh một cuộc thâu tóm thân thiện. Trong đó, cựu Chủ tịch Dương Công Minh cùng các cộng sự vui vẻ cho LienVietPostBank "đi lấy chồng" (như cách nói của ông Minh tại ĐHĐCĐ Sacombank cách đây ít hôm) và ông Nguyễn Đức Thụy đã chuẩn bị tất cả mọi điều kiện cho cuộc hôn phối.
Tuy nhiên, không loại trừ đây là các động thái là rời rạc và trùng hợp, điều ít khi được thấy trên thị trường tài chính.