Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 10 lên cao nhất kể từ tháng 1
Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 8,6% lên 48,7 tỷ USD (ước tính trước đó là đạt 47,5 tỷ USD) từ mức điều chỉnh 44,9 tỷ USD trong tháng 9. Trong đó, nhập khẩu tăng 1,6% lên 224,6 tỷ USD với các sản phẩm điện thoại di động, quần áo, vật dụng gia đình và dịch vụ liên quan đến việc mua hàng. Xuất khẩu không đổi ở 195,9 tỷ USD vì xuất khẩu dầu khí bị cân bằng bởi sự sụt giảm của tài sản cố định và hàng hóa tiêu dùng. Không tính khí đốt, thâm hụt thương mại tăng lên 45,5 tỷ USD từ mức 41 tỷ USD.
Theo Bloomberg, nhập khẩu tăng có thể là vì mùa nghỉ lễ mua sắm. Nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng gần 800 triệu USD, gồm 303 triệu USD tăng ở mặt hàng điện thoại di động và vật dụng gia đình khác, cũng như đồ nội thất, dụng cụ, đồ chơi và quần áo.
Báo cáo mới nhất cũng cho thấy nhập khẩu kỷ lục từ Trung Quốc khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 31,9 tỷ USD từ mức 29,9 tỷ USD. Nhập khẩu từ Mexico cũng đạt mức cao chưa từng có, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia này tăng trong tháng 10 lên 6 tỷ USD từ mức 5,1 tỷ USD.
Nếu hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV, sau khi xuất khẩu ròng cộng thêm 0,43 điểm % vào tổng sản phẩm quốc nội trong quý III.
Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng ổn định và đầu tư kinh doanh tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, doanh số bán hàng hóa sản xuất tại Mỹ có thể cải thiện khi các nền kinh tế khác trên thế giới tăng trưởng.
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa chiếm khoảng 3/4 tổng thương mại của Mỹ trong năm 2016; Mỹ thường có thâm hụt đối với thương mại hàng hóa và thặng dư với dịch vụ.