|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thảm họa thủy ngân trên thế giới: Cả doanh nghiệp lẫn chính phủ phải bồi thường hàng triệu USD

17:15 | 09/09/2019
Chia sẻ
Vụ cháy tại nhà kho của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới đây làm phát tán khoảng 27 kg thủy ngân, dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe con người và môi trường. Ở một số nước trên thế giới cũng từng xảy ra thảm họa thủy ngân, các doanh nghiệp, chậm chí chính phủ liên quan phải bồi thường hàng triệu USD cho người bị hại.

Nhật Bản: Doanh nghiệp và chính phủ cùng phải bồi thường

Minamata là một thị trấn nhỏ làm nghề đánh cá bên bờ biển Shiranui, cách thủ đô Tokyo hơn 900 km. Cạnh thị trấn này là nhà máy hóa dầu lớn của tập đoàn Chisso Corporation.

Trong khoảng thời từ năm 1932 đến 1968, tập đoàn Chisso này đã xả 27 tấn hợp chất có chứa thủy ngân ra biển. Số thủy ngân này khiến cho cá trong khu vực bị nhiễm độc. Người dân và động vật tại Minamata ăn phải số cá này cũng vì thế mà bị bệnh.

Những biểu hiện bất thường đầu tiên xuất hiện ở mèo. Vào khoảng thập niên 1950, người dân Minamata nhận thấy những con mèo của mình có biểu hiện như phát điên và lao xuống biển. Một số người cho rằng những con mèo này tự sát. Những con chim ăn cá ở đây cũng có dấu hiệu bất thường

Không lâu sau đó một loại bệnh lạ lan nhanh ra toàn thị trấn. Người dân cảm thấy chân tay và môi tê bì. Một số người bị suy giảm thị lực và thính lực. Một số khác cảm thấy chân tay bủn rủn, không đi lại được, thậm chí là bị tổn thương não.

Và giống như những con mèo, một số người có biểu hiện phát điên, gào thét không kiểm soát. Rõ ràng có nhân tố nào đó đã tác động đến hệ thần kinh của những người này.

Cuối cùng đến năm 1959, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kumamoto University phát hiện ra nguyên nhân của bệnh là do nhiễm độc thủy ngân nồng độ cao. Bệnh này sau đó được đặt tên là bệnh Minamata.

Cùng năm 1959, người dân Minamata tập trung phản đối tập đoàn Chisso, họ yêu cầu tập đoàn này dừng thải chất độc ra biển và phải bồi thường cho những bệnh tật mà họ mắc phải.

Tuy vậy phải đến năm 1968, Chisso mới ngừng thải độc ra biển Minamata. Theo chính phủ Nhật Bản, đã có tổng cộng 2.955 người bị mắc bệnh Minamata và khoảng 2.000 người trong số này đã qua đời.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng các tiêu chí mà chính phủ đặt ra để phân loại bệnh Minamata là quá khắt khe và rằng bất cứ ai bị bệnh về giác quan cũng nên được coi là nạn nhân.

Tính đến năm 2004, Chisso đã phải trả 86 triệu USD tiền bồi thường cho hơn 10.000 nạn nhân của thảm họa nhiễm độc thủy ngân Minamata, đồng thời Chisso phải có trách nhiệm làm sạch khu vực môi trường mà tập đoàn này làm ô nhiễm.

Ngày 16/10/2004, Tòa án Tối cao Nhật Bản còn ra lệnh cho chính phủ nước này phải bồi thường 71,5 triệu yên (703.000 USD) cho các nạn nhân của bệnh Minamata. Bộ trưởng Môi trường Nhật phải cúi đầu xin lỗi. Các vụ kiện và yêu cầu bồi thường vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay.

JapanMercuryPoisoningAP

Nạn nhân của bệnh Minamata - nhiễm độc thủy ngân nặng tại Nhật Bản. Ảnh: AP.

Mỹ: Tái chế thủy ngân làm chất trám răng

Năm 2017, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đệ đơn kiện ba công ty là Monroe Iron & Metal Co. tại Jackson bang Mississippi; Ocanna Inc. tại Northbrook bang Illinois và Southern Natural Gas Co. tại Houston bang Texas với cáo buộc để rò rỉ thuỷ ngân ra môi trường.

Theo đơn khởi kiện của EPA đệ trình lên tòa án vào ngày 16/8/2017, trong thời gian từ năm 1976 đến năm 1982, ba công ty nói trên đã chuyển khoảng 3.390 pound (1.540 kg) thuỷ ngân phế liệu đến công ty Port Refinery có trụ sở tại làng Rye Brook.

Port Refinery tái chế số thủy ngân này làm chất trám răng và đem bán cho nhiều cơ sở trong suốt 15 năm cho đến khi bị phát hiện vào năm 1991.

Khu nhà xưởng của Port Refinery này rộng 0,7 hecta, xung quanh là nhà ở, chung cư và một trường trung học phổ thông. Khu vực này bị ô nhiễm thủy ngân nặng và chính phủ Mỹ đã phải chi khoảng 6,4 triệu USD trong thập niên 1990 để phá dỡ khu nhà xưởng đồng thời chuyển 6.500 tấn đất và gạch vụn nhiễm độc đi nơi khác.

Đến năm 2004, người ta lại phát hiện một địa điểm bị nhiễm thủy ngân gần trường học nói trên và khoảng một tấn đất đá đã phải bị chuyển đi. Theo một bản tin của EPA, có địa điểm nồng độ thủy ngân cao gấp 130 lần mức tiêu chuẩn.

Sau đó các đơn vị điều tra lại tìm thấy các kho và khu nhà xưởng ngầm dưới lòng đất khác. Mẫu nước ngầm và nước ở các ao gần đó cũng bị nhiễm độc thủy ngân nặng.

EPA lại phải chuyển đi 9.300 tấn đất, phá dỡ khu nhà xưởng dưới lòng đất, làm sạch đường ống nước ngầm và cài đặt hệ thống lọc nước và không khí. Tổng chi phí là hơn 7 triệu USD.

Ba công ty Monroe Iron & Metal Co.; Ocanna Inc. và Southern Natural Gas Co. bị EPA yêu cầu bồi thường 6,5 triệu USD cho chi phí dọn dẹp khu vực bị nhiễm độc thủy ngân trong thập niên 1990.

Trước đó vào năm 2010, EPA đã kiện 8 công ty khác để đòi bồi thường 7 triệu USD cho chi phí dọn dẹp thủy ngân kể từ tháng 4/2004 trở về sau.

Ấn Độ: Chi nhánh của đại gia Unilever thải độc

Năm 2016, Hindustan Unilever Limited (HUL) - công ty con tại Ấn Độ của đại gia hàng tiêu dùng Unilever đồng ý bồi thường cho hàng trăm cựu nhân viên của mình.

Động thái này được thực hiện nhằm dàn xếp vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm liên quan đến việc ngộ độc thủy ngân tại một trong những nhà máy sản xuất của công ty này. Số tiền cụ thể không được tiết lộ.

Năm 2001, HUL đã bị buộc phải đóng cửa nhà máy sản xuất nhiệt kế sau khi chính quyền bang Tamil Nadu phát hiện ra công ty này gây ô nhiễm môi trường bằng việc thải nhiều tấn chất thải độc hại có chứa thủy ngân.

HUL cho biết công ty đã kí thỏa thuận bồi thường với một hiệp hội công nhân đại diện cho 591 nhân viên cũ cùng với gia đình. Đổi lại, hiệp hội này đã đồng ý rút một đơn kiến nghị được nộp từ 10 năm trước lên tòa án.

Trước đó, hiệp hội công nhân này cáo buộc đã có 45 nhân viên và 18 trẻ em thiệt mạng vì chất độc của HUL. Công ty HUL phủ nhận cáo buộc trên.

Hiệp hội này cũng đòi tiền bồi thường và khẳng định nhiều nạn nhân vẫn đang phải chịu đựng các bệnh về rối loạn chức năng thận, não và thần kinh.

Năm 1984, HUL chuyển nhà máy sản xuất nhiệt kế từ New York đến Ấn Độ vì tại Mỹ công ty đang đối mặt với nhiều lo ngại về môi trường. Tuy nhiên đến năm 2001, nhà máy này phải đóng cửa sau phát hiện 7,4 tấn nhiệt kế thủy tinh vỡ có dính thủy ngân.

Song Ngọc