|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Thái tử Samsung' đối mặt với mức án 9 năm tù

08:26 | 31/12/2020
Chia sẻ
Tại phiên tòa ngày 30/12, các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị mức án 9 năm tù đối với ông Lee Jae-yong, người thừa kế Tập đoàn Samsung.
'Thái tử Samsung' đối mặt với mức án 9 năm tù - Ảnh 1.

'Thái tử Samsung' đối mặt với mức án 9 năm tù. (Ảnh: Lee Jin-man/AP).

Theo Financial Times, tại phiên tòa tái thẩm của ông Lee Jae-yong ở Tòa án cấp cao Seoul (Hàn Quốc), các công tố viên đã yêu cầu mức án 9 năm tù đối với người đứng đầu tập đoàn Samsung về tội đưa hối lộ. Ông Lee Jae-yong từ lâu vốn được truyền thông gọi với cái tên 'Thái tử Samsung'.

Các cáo buộc tập trung vào việc ông Lee đã hối lộ bà Park Geun-hye, Cựu Tổng thống bị luận tội vào năm 2017, nhằm đảm bảo quyền kiểm soát tập đoàn công nghệ đang trên đà phát triển.

Vào ngày cuối cùng của phiên tòa hôm 30/12, các công tố viên nói Samsung là công ty lớn nhất và quan trọng nhất của Hàn Quốc, vì vậy công ty cần làm gương hơn là trốn tránh trách nhiệm.

"Samsung là một tập đoàn với quyền lực chiếm ưu thế... người ta thường nói rằng các doanh nghiệp của Hàn Quốc là của Samsung hoặc không phải của Samsung", các công tố viên cho biết, theo một tuyên bố của hãng thông tấn nhà nước Hàn Quốc Yonhap.

Chaebol là tên gọi của các đại tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc. Thông thường Chaebol là các tập đoàn đa quốc gia, với thành viên bao gồm rất nhiều doanh nghiệp quốc tế nằm dưới sự điều khiển của một ông chủ nắm quyền hành trên tất cả các cơ sở này.

Vụ việc trên được coi là một phép thử về sự quyết tâm của chính phủ trong việc "thuần hóa" các Chaebol quyền lực của Hàn Quốc, những tập đoàn do gia đình sở hữu chi phối hoạt động kinh doanh.

Dự kiến tòa án Hàn Quốc sẽ có quyết định sớm nhất là vào tháng tới.

Về phía ông Lee, ông đã luôn phủ nhận các cáo buộc hối lộ trên. Tuy nhiên tại phiên điều trần hôm đó, ông đã nói trước tòa về "sự hổ thẹn" của mình xung quanh vụ bê bối kéo dài nhiều năm và thề rằng những sai lầm trước đó sẽ không lặp lại.

Ông Lee tuyên bố: "Chúng tôi sẽ biến Samsung trở thành công ty có tính minh bạch và đạo đức cao nhất, hơn là sự tuân thủ". Ông cũng nhắc lại lời hứa trước đó sẽ không trao quyền điều hành tập đoàn cho con cái - một động thái sẽ chấm dứt quyền kiểm soát gia đình ba thế hệ của tập đoàn lớn này.

Ông Lee ban đầu bị kết tội vào năm 2017. Vụ án là một phần của vụ bê bối tham nhũng gây rúng động quốc gia, phơi bày sự thông đồng giữa giới kinh doanh và giới chính trị. Ban đầu, ông Lee bị tuyên án tù 5 năm nhưng sau đó được thả tự do vào đầu năm 2018 khi tòa phúc thẩm đình chỉ bản án của ông.

Năm 2019, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã lật lại phán quyết của tòa án cấp dưới, đưa vụ án ra xét xử lại. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các vấn đề pháp lý sẽ không thể kết thúc ngay cả khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết có lợi cho ông Lee vào tháng tới.

Ông Park Sang-in, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết các công tố viên sẽ có cơ sở rõ ràng để kháng cáo.

Người Hàn Quốc đang có những ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc của ông Lee. Một số lo ngại rằng việc gây tổn hại tới Samsung sẽ làm mất hi vọng phục hồi kinh tế của đất nước do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Những người khác thì coi đây là cuộc tìm kiếm công lý chống lại một ông chủ Chaebol quyền lực, đã hành động ngoài vòng pháp luật.

Tường Vy