'Thái tử Samsung': 38 triệu USD và phòng giam 6,5 m2
Đối với Jay Y. Lee, lãnh đạo thế hệ thứ 3 của Tập đoàn Samsung, thành viên gia tộc giàu có nhất Hàn Quốc, nơi ở hiện tại là phòng giam rộng gần 6,5 m2 với nhà vệ sinh ở trong góc phía sau vách ngăn. Căn phòng này không có vòi sen, chỉ có một chậu rửa. Giường ngủ là tấm nệm trải trên sàn.
Jay Y. Lee, tên Hàn Quốc là Lee Jae Yong, 48 tuổi, bị bắt vào sáng ngày 17/2 do dính líu tới bê bối tham nhũng của Tổng thống Park Geun-hye.
Ông bị cáo buộc hối lộ 38 triệu USD cho thân tín của bà Park để đổi lấy ưu đãi từ chính quyền. Mối quan hệ phức tạp của Tập đoàn Samsung với giới tinh hoa chính trị Hàn Quốc mà Lee thừa hưởng từ đời trước đang đẩy ông tới nguy cơ rơi vào vòng tù tội.
Vương miện khảm đá quý của Đế chế Samsung
Ngày nay, khi nhắc đến những câu chuyện khởi nghiệp thành công, người ta thường nói đến Steve Jobs hay Bill Gates mày mò với chiếc máy tính trong nhà để xe, hoặc Mark Zuckerberg bắt đầu gây dựng Facebook trong phòng ký túc xá của trường đại học.
Đối với Samsung, câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Những người ngoại quốc khó có thể hiểu được đầy đủ vị thế của Samsung tại quê nhà, nơi họ không chỉ là một công ty lớn.
Lee Jae Yong (ở giữa), phó chủ tịch của Samsung Electronics Co., tới phiên điều trần tại Tòa án Trung tâm Seoul tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/1. Ảnh: AP. |
“Đó là câu chuyện về cách mà một công ty sáng tạo toàn cầu như Samsung, chiếc vương miện khảm đá quý của Hàn Quốc, đã trở thành sản phẩm của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quân phiệt và truyền thống như thế nào”, Geoffrey Cain, tác giả của cuốn sách sắp xuất bản về đế chế Samsung, chia sẻ với Zing.vn về nội dung cuốn sách của mình.
Samsung thực sự đã trở thành một đế chế mà người dân Hàn Quốc vẫn gọi là “Cộng hòa Samsung”. Người ta có thể được sinh ra trong bệnh viện Samsung, sống trong căn hộ do Samsung xây dựng, sử dụng máy giặt, TV, máy hút bụi của hãng này.
Họ có thể đến học tại trường của Samsung và làm việc bằng máy tính của hãng. Cho dù bạn không dùng điện thoại thông minh của Samsung mà chỉ dùng Iphone, vi mạch trong sản phẩm này cũng là do Samsung sản xuất.
Bạn có thể đến vui chơi ở công viên giải trí Samsung, nghỉ lại ở khách sạn Samsung, mua quà từ cửa hàng miễn thuế, mặc quần áo Samsung và lo cho tương lai bằng cách mua bảo hiểm của họ.
Thời đại, đế chế và dân tộc, tất cả hòa trộn với nhau để tạo ra một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Geoffrey Cain
Samsung không chỉ là biểu tượng đại diện cho Hàn Quốc ở nước ngoài, họ còn là “nền tảng vững chắc” để nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này dựa vào.
Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 1960, khi Hàn Quốc tiến hành quá trình công nghiệp hóa. Chính phủ vừa ủng hộ tiền bạc để Samsung mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa tìm cách bảo vệ họ khỏi các đối thủ nước ngoài.
Từ một công ty vận tải nhỏ bé, Samsung trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh, TV và chip điện tử lớn nhất thế giới. Sự phát triển ngoạn mục của họ gắn liền với phép màu của nền kinh tế Hàn Quốc.
Cha truyền con nối
Các tập đoàn gia đình phát triển từ thập niên 1960 chi phối nền kinh tế Hàn Quốc như Samsung được gọi là các “chaebol”. Đến những năm 1980, các chaebol đã đủ lớn mạnh để thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Họ lập ra cơ cấu sở hữu chéo phức tạp để bảo vệ quyền sở hữu của gia đình.
Lee Jae Yong, con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, đã chuẩn bị cả đời để tiếp quản đế chế của cha ông. Năm 2014, sau một cơn đau tim, ông Lee Kun Hee không còn đủ sức khỏe để trực tiếp điều hành tập đoàn và đã tạm thời giao lại quyền lãnh đạo cho con trai.
Theo tác giả Cain, Phó Chủ tịch Lee Jae Yong chủ yếu đóng vai trò ngoại giao, tạo dựng các mối quan hệ. Ông dành nhiều thời gian gặp gỡ các CEO và tìm kiếm các khách hàng tiềm năng. Lãnh đạo đời thứ 3 của Samsung được ví như bộ mặt của tập đoàn với thế mạnh cung cấp linh kiện.
Đây chính là điểm khác biệt lớn so với phong cách của Chủ tịch Lee Kun Hee, một lãnh đạo có tầm nhìn, người từng được đào tạo tại Nhật Bản và tham vọng đánh bại cường quốc này bằng các sản phẩm công nghệ chất lượng.
Tổng thống Park Geun-hye ngồi giữa Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee (trái) và Chủ tịch Hyundai Motor Group Chung Mong-koo trong một cuộc họp vào tháng 5/2013. Ảnh: Joint Press Corps. |
“Dù không công khai nhưng trong nội bộ, Chủ tịch Lee vẫn lấy Nhật Bản làm tiêu chuẩn. Ông hiểu những công ty như Sony đã biến thương hiệu ‘Made in Japan’ nổi tiếng toàn cầu như thế nào. Họ cũng muốn cải thiện chất lượng và danh tiếng các sản phẩm ‘Made in South Korea’ theo cách đó”, Cain nhận định.
Giống như cha mình, Lee Jae Yong cũng vướng vào những cáo buộc pháp lý. Bản thân ông Lee Kun Hee từng bị buộc tội 2 lần và được ân xá bởi 2 tổng thống khác nhau sau khi xem xét vai trò quan trọng của ông đối với đất nước.
Đặc ân, đặc quyền là điều mà những dòng họ quyền lực trong các chaebol thường nhận được do tầm ảnh hưởng rộng khắp của họ. Người dân Hàn Quốc nhận thức được điều này và họ mong muốn thay đổi nó.
Mô hình gần giống chaebol nhất chỉ tồn tại ở Israel và Phần Lan, nhưng những nước này có cách quản trị doanh nghiệp tốt hơn nhiều.
Geoffrey Cain
Cuối tháng trước, tòa án đã quyết định không bắt giữ Lee Jae Yong sau khi thẩm vấn vì không có đủ chứng cứ. Trên mạng xã hội, nhiều người Hàn Quốc bày tỏ sự bức xúc với quyết định này. Họ nhận xét rằng điều này cho thấy đất nước vẫn còn bị bó buộc với Samsung và các chaebol, những tập đoàn thống trị nền kinh tế Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, việc tạm giam người thừa kế Samsung lần này đặc biệt khác thường vì các chủ tịch tập đoàn thường không bị bắt giữ mà chỉ đến trình diện tại tòa án.
“Phạm vi của bê bối lần này là chưa từng có trong ít nhất 30 năm qua. Mục tiêu không chỉ có Jay Y. Lee mà còn có tổng thống Hàn Quốc, bạn thân của bà, các quan chức chính phủ hàng đầu và nhiều người khác trong một mạng lưới tham nhũng sâu rộng vẫn còn chìm khuất bên dưới”, Cain bình luận.
Tương lai của 'Thái tử'
Vai trò của người thừa kế Samsung không hẳn rơi vào tình thế đáng lo ngại vì vụ bắt giữ. Samsung hoạt động hiệu quả nhờ mạng lưới rộng lớn và phân cấp của các công ty con, mỗi nơi đều có một đội ngũ quản lý độc lập và chuyên nghiệp.
Ngay cả thành phần quan trọng nhất là Samsung Electronics cũng được chia thành các đơn vị kinh doanh hoạt động độc lập. Bởi vậy, nhiều người cho rằng Samsung vẫn sẽ vận hành trơn tru dù thiếu người đứng đầu.
Người biểu tình cầm băng-rôn, biểu ngữ có hình chân dung của Lee Jae Yong, phó chủ tịch của Samsung Electronics Co., bên ngoài Tòa án Trung tâm Seoul tại Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 18/1 (khi ông chưa bị bắt). Ảnh: Bloomberg/Getty. |
Tuy nhiên, vấn đề của ông Lee có thể ảnh hưởng tới các quyết định chiến lược của công ty trong giai đoạn thách thức hiện nay, chẳng hạn việc như làm thế nào để phục hồi từ sự cố Galaxy Note 7.
Giống như các giám đốc điều hành khác của các chaebol Hàn Quốc, Lee Jae Yong vẫn có thể trở lại sau khi giải quyết ổn thỏa các vấn đề pháp lý hoặc thậm chí điều hành công việc sau song sắt như trường hợp của giám đốc điều hành Hyundai Motor Co và SK Group.
Hàn Quốc ngày nay đã toàn cầu hóa hơn trước. Người dân sẽ không còn có thể chịu đựng hành vi xấu của lãnh đạo.
Geoffrey Cain
“Ông ấy có thể sẽ tiếp cận với luật sư để truyền đạt các mệnh lệnh của mình tới Samsung. Một ủy ban khẩn cấp đã được thành lập để điều hành công ty trong khi Lee vắng mặt và có thể sau này sẽ có nhiệm vụ thực hiện lệnh từ ông ấy”, Cain cho biết.
Chuyên gia này cũng nói thêm rằng tương lai của Lee Jae Yong giờ phụ thuộc vào việc các thẩm phán có quyết định xử lý mạnh tay và khiến việc giao tiếp với bên ngoài của người thừa kế Samsung trở nên khó khăn hay không.
Nhà báo Geoffrey Cain. Ảnh: OGP. |
Geoffrey Cain, nhà báo tại Seoul, người đưa tin về quan hệ hai miền Triều Tiên cho Time, Economist, Wall Street Journal và một số cơ quan báo chí khác. Ông là cựu học giả Fulbright, thạc sĩ loại ưu của Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London, cử nhân Đại học George Washington. Cuốn sách tiếp theo của ông về Đế chế Samsung sẽ được Crown xuất bản trong năm nay. |
Samsung chính thức nhận giấy phép dự án 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh
Công ty Samsung Display (Hàn Quốc) vừa chính thức đón nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án mở rộng 2,5 tỷ ... |
EVN đầu tư 132 tỷ đồng xây trạm biến áp đáp ứng điện cho Samsung Bắc Ninh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa triển khai xây dựng Trạm biến áp 110kV tại Yên Phong (Bắc Ninh) để chủ động nguồn ... |
Bên trong các chaebol Hàn Quốc: Tiền, quyền và quan hệ
Phát triển dưới sự bảo hộ của chính phủ cùng mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị gia, các tập đoàn gia đình ... |