|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thái Lan thắt chặt sử dụng tiền mã hoá làm phương tiện thanh toán

20:15 | 26/01/2022
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho rằng việc dùng tiền mã hoá để thanh toán làm tổn hại hệ thống tài chính, kinh tế quốc gia.

Thái Lan sẽ hạn chế việc sử dụng các tài sản kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ với quan ngại rằng tài sản kỹ thuật số có thể làm phương hại hệ thống kinh tế và tài chính của quốc gia này, theo Bloomberg.

Thái Lan thắt chặt sử dụng tiền mã hoá làm phương tiện thanh toán - Ảnh 1.

Thái Lan sẽ hạn chế dùng tài sản kỹ thuật số, bao gồm tiền mã hoá, như một phương thức thanh toán. (Ảnh: Bloomberg).

Các cơ quan quản lý đang lên kế hoạch áp dụng một khung pháp lý để kiểm soát việc tài sản số ngày càng được đón nhận rộng rãi trong vai trò phương tiện thanh toán giao dịch, Ngân hàng Thái Lan, Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch và Bộ Tài chính Thái Lan chia sẻ trong một thông cáo chung. 

Các cơ quan này khẳng định cần cân bằng được lợi ích, bao gồm cả các công nghệ mà tài sản số mang đến, và các điểm tiêu cực tiềm tàng của chúng.

"Hiện tại, việc đón nhận rộng rãi tài sản kỹ thuật số như một cách để thanh toán hàng hoá, dịch vụ mang đến rủi ro cho hệ thống kinh tế, tài chính quốc gia", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput chia sẻ. "Vì thế, chúng ta cần khung quản lý rõ ràng cho các hoạt động này".

Bitcoin, đồng tiền mã hoá được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, đã mất khoảng một nửa giá trị so với thời điểm giá trị đạt đỉnh. Đợt bán tháo đồng bitcoin đến trong bối cảnh ngân hàng trung ương Nga đề xuất lệnh cấm hoạt động "đào bitcoin", đồng nghĩa với việc khoảng 15% năng lực đào bitcoin của thế giới có thể sẽ phải tìm phương án thay thế địa điểm. Mặc dù giá bitcoin có thể vẫn sẽ phục hồi, tương tự như thời điểm Trung Quốc đưa ra lệnh cấm tương tự, diễn biến thị trường có thể sẽ tiêu cực hơn ở lần này, Bloomberg nhận định.

Đợt thắt chặt quản lý tài sản kỹ thuật số ở Thái Lan được thực hiện trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư trẻ, đẩy mạnh hoạt động đầu tư tiền mã hoá do hứa hẹn lợi nhuận cao hơn khi nền kinh tế chững lại. Dù vậy, các ngân hàng thương mại vẫn tỏ ra thận trọng với hoạt động trực tiếp liên quan đến đầu tư tài sản số vì mức độ biến động quá lớn và nhiều yếu tố bất định.

"Vì hệ thống thanh toán hiện tại ở Thái Lan đã rất hiệu quả, việc dùng tài sản kỹ thuât số để thanh toán hàng hoá, dịch vụ không mang thêm nhiều lợi ích đến người dùng và doanh nghiệp", Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan, chia sẻ. Dù vậy, các cơ quan chính phủ có liên quan của Thái Lan vẫn ủng hộ vai trò và hoạt động phát triển các công nghệ tài chính như blockchain với mục tiêu đẩy mạnh sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.

Được biết, đề xuất của Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch đang được lấy ý kiến công khai cho tới ngày 8/2 trước khi đưa vào áp dụng chính thức. Các đơn vị vận hành tài sản kỹ thuật số cần tuân thủ theo các quy định mới trong vòng 15 ngày kể từ khi đi vào hiệu lực.

Nam Khánh

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.