Thái Lan dự kiến xuất khẩu gạo đạt 7,5 triệu tấn vào 2022
Phát biểu sau cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thái Lan, ông Charoen Laothammatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết nguồn cung nước dồi dào và đồng baht suy yếu - hiện trung bình là 33 USD, dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo của quốc gia này trong năm 2022.
Sự suy yếu của đồng baht đã giúp giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn, với giá gạo trắng 5% tấm (FOB) được báo ở 390 USD/tấn, thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam là 405 USD/tấn.
Tuy nhiên, ông Charoen cho biết tình trạng thiếu container và thiếu mặt bằng vận chuyển dự kiến vẫn là những yếu tố rủi ro chính, có khả năng sẽ kéo dài cho đến nửa đầu năm 2022.
Cũng theo ông Charoen, quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ kết thúc niên vụ năm nay với khối lượng xuất khẩu gạo đạt 6 - 6,3 triệu tấn, tăng nhẹ so với 5,72 triệu tấn xuất khẩu vào năm ngoái.
Năm 2021, Thái Lan dự kiến sẽ vẫn là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Việt Nam.
"Để nâng thứ hạng của Thái Lan trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới, ngành lúa gạo cần phải tăng tốc phát triển các loại gạo trong nước. Thái Lan cũng phải phát triển các giống lúa thơm mới và quảng bá chúng một cách mạnh mẽ để cạnh tranh với các nhà sản xuất khác", ông Charoen nói thêm.
Thái Lan đã hạn chế nguồn cung các loại gạo để phục vụ nhu cầu khách hàng, đặc biệt là gạo trắng mềm, theo Bangkok Post.
Sản lượng gạo của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trong vụ thu hoạch 2021 - 2022, với sản lượng gạo xay xát ước đạt 20 triệu tấn nhờ nguồn cung nước dồi dào, tăng từ 17 triệu tấn trong mùa vụ 2020/2021.
Năng suất lúa của Thái Lan trung bình đạt 450 kg/rai, thấp hơn đáng kể so với Việt Nam là 900 kg/rai và của Ấn Độ là 800 kg. 1 rai = 0,16 ha.
Ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, gần đây cho biết khối lượng gạo xuất khẩu có thể sẽ giảm dần nếu Thái Lan không cải tiến các giống gạo Thái để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chẳng hạn như cung cấp gạo dẻo và bỏ qua việc cải thiện năng suất.
"Chúng tôi chưa giải quyết tận gốc các vấn đề, thay vào đó tập trung chủ yếu vào hỗ trợ giá, thông qua các chương trình cam kết hoặc đảm bảo giá. Việt Nam tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để củng cố ngành gạo", ông nói.
Theo ông Chookiat, cũng là giám đốc điều hành của công ty Huay Chuan Group - từng là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á, cho biết Thái Lan cũng bị cản trở bởi vấn đề giấy tờ và thiếu ý chí nâng cấp ngành gạo.