|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thái Lan chi 2 tỷ USD nâng cấp sân bay Suvarnabhumi phục hồi kinh tế

05:59 | 18/01/2021
Chia sẻ
Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, sân bay Suvarnabhumi đã trở nên quá tải, với lưu lượng hành khách vượt quá công suất đón tiếp là 45 triệu người mỗi năm.
Thái Lan chi 2 tỷ USD nâng cấp sân bay Suvarnabhumi phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Cảnh vắng vẻ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan do dịch COVID-19, ngày 1/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ủy ban phụ trách nâng cấp sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thái Lan vừa thông qua kế hoạch phát triển trị giá gần 60 tỷ baht (gần 2 tỷ USD) để hỗ trợ hồi phục nhu cầu đi lại bằng đường hàng không hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phó chủ tịch ủy ban, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob, gần đây cho biết dự án phát triển nói trên bao gồm việc xây dựng 3 nhà ga mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Ba nhà ga này, được gọi là Phần mở rộng phía Đông, Phần mở rộng phía Tây và Phần mở rộng phía Bắc, dự kiến sẽ tăng công suất đón tiếp hành khách của sân bay thêm 60 triệu lượt người mỗi năm.

Trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, sân bay Suvarnabhumi đã trở nên quá tải, với lưu lượng hành khách vượt quá công suất đón tiếp là 45 triệu người mỗi năm.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến lưu lượng hàng không giảm mạnh, ông Saksayam cho biết ủy ban đã quyết định tiếp tục dự án nâng cấp để đảm bảo sân bay có thể đáp ứng khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng trở lại sau đại dịch.

Theo ông Saksayam, Thái Lan đang nhìn về phía trước vì nguồn thu nhập chính của đất nước là từ ngành du lịch và hành khách di chuyển bằng đường hàng không chiếm 80% lượng khách du lịch.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc di chuyển bằng đường hàng không, nhưng các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai trên toàn thế giới và tình hình dự kiến sẽ được cải thiện.

Việc nâng cấp này cũng phù hợp với dự án phát triển đường băng thứ ba của sân bay Suvarnabhumi. Sau khi hoàn thành, sân bay Suvarnabhumi sẽ có thể đáp ứng 90 chuyến bay mỗi giờ so với công suất hiện tại là 68 chuyến bay/giờ.

Đầu năm 2019, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch xây dựng đường băng thứ 3 tại sân bay Suvarnabhumi với chi phí gần 21,8 tỷ baht. Lý do để xây dựng thêm đường băng thứ 3 tại sân bay Suvarnabhumi là vì hai đường băng hiện nay có tổng công suất 64 chuyến bay/giờ, nếu một trong hai đường băng bị đóng cửa, sân bay này chỉ còn có thể đáp ứng được 34 chuyến bay/giờ.

Các dự án mở rộng về phía Đông và phía Tây có diện tích 66.000 m2 mỗi dự án và sẽ đáp ứng 30 triệu hành khách mỗi năm. Chi phí cho mỗi dự án ước tính trị giá 7,83 tỷ baht.

Phần mở rộng phía Bắc có diện tích 348.000 m2 và dự kiến sẽ đón 30 triệu hành khách mỗi năm. Chi phí cho dự án này ước tính khoảng 41,26 tỷ baht.

Ngoài ra, ông Saksayam cho biết việc xây dựng nhà ga hành khách Satellite 1 sẽ được hoàn thành vào năm tới và dự kiến sẽ đón 15 triệu hành khách mỗi năm.

Ông Saksayam nói rằng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) đã đồng ý ban đầu với kế hoạch nâng cấp. Công ty Cảng hàng không Thái Lan (AoT) sẽ xin ý kiến của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế trước khi kế hoạch này được đệ trình lên Nội các xem xét vào tháng Ba tới.

Du lịch là một trong những động lực tăng trưởng chính của Thái Lan trong những năm qua. Quốc gia Đông Nam Á này đón tiếp gần 40 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019 và ghi nhận mức chi tiêu của khách du lịch vào khoảng 1.910 tỷ baht (63 tỷ USD), tương đương gần 11,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan giảm mạnh. Từ tháng 1-11/2020, số lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan giảm 81% so với một năm trước đó, xuống còn khoảng 6,7 triệu lượt.

Dự kiến phải đến năm 2024, lượng khách du lịch tới Thái Lan mới phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.


Ngọc Quang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.