Thách thức mới cho nền kinh tế Mỹ: Người thất nghiệp không muốn đi làm lại
Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 nhảy vọt lên thành 14,7% với hơn 20,5 triệu người mất việc làm - mức cao nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng trong thập niên 1930 trở lại đây.
Fed nhận định có một số lí do khiến người lao động ngại quay trở lại làm việc trong báo cáo "Beige Book".
Báo cáo cũng cho biết hầu hết các doanh nghiệp mà Fed liên lạc có nhận định tiêu cực về triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Các lãnh đạo doanh nghiệp "đã liệt kê những thách thức trong việc đưa nhân viên quay lại làm việc, bao gồm các lo lắng về sức khỏe, khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở trông trẻ, cũng như thiếu các phúc lợi thất nghiệp hào phóng", báo cáo cho biết.
Gần 40 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3. Trong số đó, hơn 25 triệu người đã được nhận tiền trợ cấp trong ít nhất hai tuần, theo thông tin từ Bộ Lao động Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã phản ứng với khủng hoảng thất nghiệp bằng cách cho người lao động mất việc làm được hưởng thêm 600 USD/tuần ngoài các khoản hỗ trợ thường được nhận, theo CNBC.
Bên cạnh đó, Chương trình Bảo vệ Tiền lương cũng cấp cho doanh nghiệp các khoản vay để duy trì nhân viên trong biên chế.
Báo cáo của Fed chỉ ra rằng Chương trình Bảo vệ Tiền lương "đã giúp nhiều doanh nghiệp hạn chế hoặc không phải sa thải nhân viên, mặc dù số lượng việc làm tiếp tục giảm mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, giải trí và khách sạn". Các ngân hàng cũng chứng kiến nhu cầu "mạnh mẽ" của doanh nghiệp dành cho các khoản vay này.
Nhìn chung, hoạt động kinh tế tại 12 khu vực có đặt chi nhánh của Fed đều suy giảm, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, giải trí và khách sạn. Dù doanh số bán xe "thấp hơn đáng kể" so với năm ngoái, tình hình tại một số khu vực đã được cải thiện so với lần cuối công bố báo cáo Beige Book vào ngày 15/4.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không lạc quan về tương lai.
"Dù nhiều doanh nghiệp chúng tôi liên lạc bày tỏ hi vọng rằng hoạt động kinh tế tổng thể sẽ tăng lên trong quá trình mở cửa trở lại, triển vọng tương lai vẫn rất mờ mịt. Hầu hết doanh nghiệp cảm thấy bi quan về tốc độ hồi phục", Fed viết trong báo cáo.
Ngành nông nghiệp và công nghiệp cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Giá năng lượng lao dốc còn hoạt động sản xuất tại các cơ sở đóng gói thịt bị đình trệ. Một vài nhà máy thịt lớn nhất phải đóng cửa do nhân viên nhiễm COVID-19.
Bất động sản cũng phải chịu tác động lớn, doanh số sụt giảm nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân là thiếu hụt tồn kho bất động sản và các lệnh hạn chế đi lại khiến khách hàng khó đi xem nhà. Các chủ sở hữu bất động sản thương mại cũng cho biết nhiều người thuê nhà đã trễ hạn thanh toán.