|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nhân ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp khiến doanh nghiệp lao đao

15:32 | 17/05/2020
Chia sẻ
Gói giải cứu kinh tế hàng nghìn tỉ USD có thể khiến doanh nghiệp, nhà hàng Mỹ khó huy động lao động quay lại làm việc để mở cửa nền kinh tế.

Theo CNBC, hàng loạt các doanh nghiệp Mỹ buộc phải đóng cửa từ tháng 3 đã bắt đầu rục rịch mở trở lại. Các lao động trong ngành bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ và siêu thị bắt đầu nhận các cuộc gọi quay lại làm việc từ các chủ doanh nghiệp của mình.

Mặt trái của gói trợ cấp thất nghiệp “hào phóng”

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 vẫn là mối nguy hiện hữu với người dân nước này và cản trở các doanh nghiệp duy trì hoạt động bình thường. Theo khảo sát từ The Washington Post và Đại học Maryland, 67% người Mỹ cho biết họ vẫn chưa thoải mái khi đi vào các cửa hàng, 78% cho biết vẫn chưa thể quay lại ăn uống như bình thường tại các nhà hàng.

Công nhân ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp khiến doanh nghiệp lao đao - Ảnh 1.

Người lao động Mỹ từ chối quay lại làm việc do nhận trợ cấp liên bang quá hậu hĩnh? Ảnh: Getty

Bên cạnh đó, nhà kinh tế Anirban Basu cho rằng các khoản thanh toán trợ cấp của chính quyền liên bang, cộng với khoản phụ thêm 600 USD/tuần đang trở thành trở ngại quá lớn để các doanh nghiệp kêu gọi nhân viên quay lại làm việc. 

Vị này nhận định “Với các khoản trợ cấp thất nghiệp hào phóng của các bang, cộng thêm 600 USD/tuần trợ cấp thêm từ chính phủ liên bang dễ dàng nhận thấy chẳng ai muốn quay lại làm việc cho đến tháng 8”. Như vậy cho đến khi kết thúc hỗ trợ từ liên bang vào cuối tháng 7, người lao động có thể quay lại tích cực hơn.

Chương trình Hỗ trợ thất nghiệp do đại dịch mới (PUA) của Mỹ với đối tượng hưởng lợi rộng rãi, từ những người không thể làm việc hoặc không có khả năng làm việc do hậu quả về sức khỏe, hoặc kinh tế do đại dịch Covid-19. 

Như vậy, các đối tượng bị chẩn đoán nhiễm Covid-19, đối tượng phải chăm sóc thành viên gia đình bị bệnh, hoặc phụ huynh buộc phải ở nhà chăm sóc con do trường học đóng cửa hoặc thậm chí là trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng có thể nhận trợ cấp này.

Chỉ sau 2 tháng bùng phát dịch bệnh, đã có tới hơn 36 triệu người Mỹ nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp, số này bao gồm cả những người lao động tạm thời bị nghỉ việc và những người phải cắt giảm thời gian làm việc do dịch bệnh. Các lao động đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ được tăng cường thêm tới 600 USD từ quỹ liên bang cho đến 31/7 cùng với lợi ích từ trợ cấp thất nghiệp của các bang, theo quy định là tối đa trong 39 tuần. Trung bình hơn 50% số lao động các bang của Mỹ sẽ nhận trợ cấp kinh tế, theo New York Times.

Công nhân ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp khiến doanh nghiệp lao đao - Ảnh 2.

Cảnh sát bang Florida nhận đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngay tại bãi đỗ xe. Ảnh: EPA

Để có thể mở cửa trở lại, các doanh nghiệp Mỹ phải tuần thủ theo quy định chặt chẽ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh để bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân viên. Bên cạnh điều kiện vệ sinh bổ sung cho cá nhân như khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn tay thì họ còn phải đảm bảo điều kiện giãn cách xã hội. Một số bang còn yêu cầu khắt khe như giảm công suất làm việc và yêu cầu kiểm tra nhiệt độ nhân viên định kỳ.

Theo quy định, khi doanh nghiệp làm việc trở lại người lao động không thể từ chối công việc cũ, đồng thời phải dừng nhận cấp thất nghiệp, Michele Evermore, nhà phân tích chính sách cao cấp của Dự án Luật Việc làm Quốc gia cho biết. Tuy nhiên, khó có thể từ chối rằng với tình hình hiện tại, việc duy trì tình trạng thất nghiệp sẽ khiến người lao động Mỹ kiếm được tiền nhiều hơn so với làm việc trở lại.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Việc làm và Đào tạo Lao động Mỹ cho rằng việc lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh tại nơi làm việc cũng khiến người lao động từ chối công việc hoặc bỏ việc. Điều này được coi là động cơ hợp lý nếu chủ lao động không đảm bảo được môi trường làm việc an toàn, theo nhà phân tích Evermore.

Để thể hiện lý do chính đáng để bỏ việc, công nhân sẽ phải trình bày về rủi ro tại nơi làm việc và đề xuất loại bỏ nguy hiểm này với chủ doanh nghiệp. Tiếp đến, người lao động có quyền nộp đơn khiếu nại tới Cục An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA) về điều kiện làm việc nguy hiểm của doanh nghiệp nếu không được khắc phục.

“Cơ quan OSHA đã nhận nhiều đơn tố giác về khả năng phơi nhiễm với virus corona tại nơi làm việc”, luật sư Joshua Hawks-Ladds, chủ tịch văn phòng Lao động, Luật Việc làm và Bộ Quyền lợi Nhân viên tại Pullman & Comley cho hay.

Vấn nạn nhân viên từ chối làm việc

Theo tạp chí Sun, Melony Wagner, chủ một quán bar Charles Village Pub ở Baltimore, Maryland than thở vì các nhân viên của mình không chịu quay lại làm việc khi quán định mở cửa trở lại. Cô cho hay các nhân viên của mình nhận được các khoản trợ cấp thất nghiệp do Covid-19 khá hậu hĩnh, gấp đôi số tiền kiếm được nếu quay lại làm việc. Điều này khiến cửa hàng khó có thể mở cửa trở lại do thiếu người làm.

Công nhân ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp khiến doanh nghiệp lao đao - Ảnh 3.

Các nhà hàng, quán bar Mỹ chật vật huy động người làm do trợ cấp liên bang cho người lao động thất nghiệp lớn hơn tiền lương. Ảnh: GG

Chuyên gia Anirban Basu cho rằng phải đến tháng 8, thị trường lao động mới có thể vận hành bình thường dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì mức cao.

Chủ quán rượu Wagner nhận định“Rất khó để chúng tôi có thể quay lại mở cửa lúc này. Chúng tôi đang lâm vào tình huống thực sự khó khăn. Mọi người đều cảm thấy thêm 600 USD/tuần khá hấp dẫn, và đây thực sự là tác dụng ngược của gói lợi ích so với những gì chúng tôi kỳ vọng trước đó”.

Tuần trước, Bộ trưởng tài chính Steve Mnuchin cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ “còn tồi tệ hơn nữa” và “năm tới sẽ còn nghiêm trọng hơn”. Ông cho rằng “Đây không phải là lỗi của doanh nghiệp Mỹ, cũng phải là lỗi của người dân Mỹ… Đó là hậu quả khó tránh khỏi do virus”. Tỷ lệ thất nghiệp được Bộ trưởng tài chính Mỹ dự báo sẽ lên tới 25%, tương đương với thời Đại suy thoái và thậm chí sẽ sớm đạt tới tỷ lệ này ngay trong quý này. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vọt lên 14,7% - mức cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.

An Chi