Thách thức lớn nhất năm 2017 là khuyến khích đầu tư tư nhân
|
Đây là một trong những gợi ý chính sách chính trong bản Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2017 của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển (DEPOCEN).
Theo báo cáo, kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3% nhờ việc Chính phủ tiếp tục chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh. Lạm phát được dự báo nằm trong khoảng 4,3-4,5%.
Những chi tiêu cơ bản này thấp hơn so với các chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua cho năm nay, theo đó, mục tiêu tăng trưởng là 6,7%, xuất nhập khẩu tăng 6-7%, lạm phát bình quân 4% và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.
Ông Đinh Tuấn Minh, một trong các tác giả bản báo cáo, nhận xét: "Trước tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn, chúng tôi cho rằng Chính phủ sẽ lựa chọn giải pháp ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh cho năm 2017. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ không quyết liệt theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Quốc hội là 6,7% trong trường hợp mục tiêu lạm phát dưới ngưỡng 4% bị đe dọa".
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đạt mức 6,3% nhờ tiêu dùng cuối cùng trong nước và sản xuất công nghiệp tiếp tục khả quan. Ngoài ra, Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ có những giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cũng như có những giải pháp cải cách hành chính để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư. Lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ hồi phục nhẹ nhưng đóng góp không nhiều bằng công nghiệp và dịch vụ vào tăng trưởng cao hơn của năm 2017.
Lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 4,3-4,5%. CPI trong quí 1 có khả năng ở mức trên 5% chủ yếu là do hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng đã được thực hiện từ đầu năm 2016 cùng sự hồi phục của giá cả thế giới, đặc biệt là giá nhiên liệu. Khả năng sẽ có điều chỉnh tăng giá điện năm 2017 cũng làm cho CPI tăng. Tuy vậy, chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò quyết định trong mức tăng giá cả của năm 2017. Nếu NHNN không quyết liệt kiểm soát việc mở rộng cung tiền thì lạm phát có thể còn cao hơn.
Mặt bằng lãi suất ngang với năm 2016. Lãi suất có thể sẽ giảm trong những tháng đầu năm do NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mở rộng làm thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại. Tuy nhiên tính chung cả năm, mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ở mức ngang với năm 2016 nhờ tác động từ NHNN và Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ duy trì ở mức 17-18% trong năm 2017 do nền kinh tế còn yếu.
Báo cáo cũng cho rằng tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5-2%. Tỷ giá năm 2017 sẽ chịu nhiều lực đẩy từ diễn biến kinh tế thế giới. Triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân tổng thống Donald Trump cùng việc Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm sẽ khiến đồng đô la Mỹ tăng giá so với đa số các đồng tiền trên thế giới, bao gồm cả tiền Việt Nam. Tuy nhiên, tiền đồng sẽ không bị mất giá đáng kể nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng, trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.
Thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ là khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước, cộng với việc Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7-2017 và xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại.
Lạm phát sẽ tiếp tục khó kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu 4% trong năm 2017. Giá lương thực thực phẩm có thể sẽ tiếp đà tăng trong năm sau do thời tiết nắng nóng cuối năm 2016. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu thế giới nhiều khả năng sẽ hồi phục tạo áp lực tăng giá nhiên liệu trong nước. Nếu Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ và gây thêm áp lực tăng chỉ số giá cả.
Xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế. Sự kiện Brexit kể từ sau tháng 3-2017 sẽ bắt đầu định hình rõ ràng ảnh hưởng đối với nền kinh tế Eurozone, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Ngoài ra, định hướng chính sách thương mại không rõ ràng của tổng thống Donald Trump có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của các nền kinh tế đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa.
Xét về tổng thể, nền kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam tiếp tục sẽ có cơ hội thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài hơn trong năm 2017 nhờ việc các nhà đầu tư dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao khiến dòng vốn đầu tư quay trở lại Mỹ và các nước phát triển. Việc Fed nâng lãi suất đồng đô la sẽ gây áp lực làm tăng tỷ giá. Với xu hướng hồi phục giá các loại hàng hóa cơ bản, đặc biệt là năng lượng và thực phẩm, CPI của Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực tăng trong năm 2017.