Thạch đen Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Trong tháng 10/2019 vừa qua, hai chuyên gia kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra và làm việc với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) để chuẩn bị cho việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc.
Các cán bộ kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc tới tận nơi các vùng trồng thạch đen của bà con nông dân tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn để kiểm tra ruộng trồng và vùng nguyên liệu.
Nhìn chung, các cán bộ kiểm dịch thực vật Trung Quốc đánh giá rất cao quy mô, diện tích và vùng quy hoạch trồng thạch đen của Việt Nam.
Phía Trung Quốc cũng đánh giá cao tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế mà các phòng phân tích, thử nghiệm của Việt Nam hiện có, hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng việc phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng, dư lượng các sản phẩm thạch đen xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các hệ thống kho bãi của Việt Nam, các cán bộ kiểm dịch thực vật Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp cần tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ thống kho bãi tốt hơn nữa nhằm tránh việc côn trùng xâm nhiễm vào hàng hóa trong quá trình lưu kho, vận chuyển trước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng yêu cầ Việt Nam cần xử lý loại bỏ một số loại cỏ dại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc mọc lẫn cây thạch đen trong quá trình sơ chế, đóng gói.
Riêng về chất lượng, các chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao chất lượng thạch đen của Việt Nam và khẳng định chất lượng thạch đen của Việt Nam ngon hơn thạch đen đang được trồng tại Trung Quốc.
Cây thạch đen có tên khoa học là Mesona Chinesis Benth thuộc họ Lamiacea, tại Việt Nam còn có tên gọi khác là cây sương sáo hay lương phấn thảo. Đây là cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình 40 - 60cm, có thể dùng thân và lá để nấu thạch. Tại Việt Nam, thạch đen được trồng ở các vùng Thạch An (Cao Bằng), Tràng Định (Lạng Sơn), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Bình Minh (Vĩnh Long)…
Theo Sở NN-PTNT Lạng Sơn, thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cần được đầu tư phát triển nên năm 2017 tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể ngày 3/8/2017.
Còn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cao Bằng cho biết, năm 2016 diện tích cây thạch đen trồng tại huyện Thạch An là 330ha, năng suất đạt 5,5 - 6,0 tấn thạch khô/ha, sản lượng đạt xấp xỉ 2.000 tấn. Thạch đen trở thành một mặt hàng quan trọng của một số xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc Nùng, Tày, Dao… với thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi cán bộ, chuyên gia kiểm dịch thực vật phía Trung Quốc hoàn thành khảo sát và đánh giá thực tế kho bãi, vùng trồng, đóng gói thạch đen của Việt Nam, cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam, cụ thể là Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định thư với những điều khoản phía Trung Quốc yêu cầu để phía Trung Quốc xem xét, bổ sung cũng như gửi các Bộ, ngành của Việt Nam lấy ý kiến trước khi ký kết chính thức.
Dự kiến, lô thạch đen đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư sẽ diễn ra trong tháng 11 hoặc 12 năm 2019.