|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TGĐ VPBank: Doanh nghiệp BĐS cần bán bớt tài sản, kể cả hoà vốn hoặc lỗ chứ không nên nằm im chờ hỗ trợ

16:41 | 13/11/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng mỗi doanh nghiệp BĐS nắm một lúc 30 - 40 dự án thì khó có thể duy trì được, nên bán bớt đi, phải chấp nhận hoà vốn hoặc lỗ để phối hợp với ngân hàng cân đối vốn.

Phát biểu tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sáng nay 13/11, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho hay bất động sản (BĐS) là ngành kinh tế quan trọng, đó là chủ trương rõ ràng của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý. Cho đến nay chưa có ngành nào được sự quan tâm nhiều như vậy, riêng trong năm vừa qua đã có tới 4 - 5 hội nghị, 3 - 4 chỉ đạo từ cơ quan quản lý.

Trong suốt hai năm vừa qua, có rất nhiều, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn được ban hành vừa là kiểm soát vừa thúc đẩy hỗ trợ thị trường BĐS. Tuy các chủ trương đã rất rõ ràng nhưng thị trường BĐS vẫn khó khăn bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan được đề cập đến như khó khăn của nền kinh tế, khủng hoảng về trái phiếu dẫn đến lãi suất tăng vọt, tất cả chi phí bị đẩy lên cao. Còn về nguyên nhân chủ quan 70 - 80% khó khăn hiện nay là từ các quy định chính sách của cơ quan Nhà nước, vấn đề pháp lý, quá trình thực thi. 

Do đó giải quyết vấn đề BĐS chủ yếu là việc cải cách thể chế, pháp lý từ các cơ quan nhà nước. "Các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay, chỉ có đợi", ông nói. 

Với NHNN, Tổng Giám đốc VPBank kiến nghị nhà điều hành gia hạn thêm Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp BĐS. Đồng thời, xem lại hệ số rủi ro của các khoản vay lĩnh vực BĐS (hiện đang đều ở mức 200%) và xem xét lại đối tượng áp dụng gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ông cho rằng nếu coi BĐS là lĩnh vực quan trọng thì đừng nhìn cho vay BĐS như một cái gì không tốt khi cho vay nhiều. Giảm hệ số rủi ro của tín dụng BĐS là giải pháp thiết thực sẽ góp phần tạo hình ảnh tốt cho thị trường. 

Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo ông có thể xem xét áp dụng mức hỗ trợ lãi suất này cho người mua nhà vì nhu cầu mua nhà là chính đáng và làm như vậy sẽ giải quyết được ngay việc 40.000 tỷ chưa giải ngân được.

Doanh nghiệp BĐS phải chấp nhận bán bớt tài sản, kể cả lỗ

Về phía doanh nghiệp BĐS, theo ông Vinh bản thân doanh nghiệp cần nhìn lại và thay đổi chính mình xem đã hoạt động lành mạnh, minh bạch thông tin chưa. Chính đại diện Hiệp hội BĐS cũng cho rằng phần lớn doanh nghiệp BĐS hoạt động không lành mạnh, tại sao lại nói các ngân hàng xem xét cho vay, ông Vinh đặt vấn đề.

"Ngân hàng càng ngày càng sợ cho doanh nghiệp BĐS vay. Chúng tôi là một trong những ngân hàng cho vay BĐS nhiều nhưng bây giờ cũng sợ.", ông nói thêm.

Ông Vinh cho biết nếu trước đây trong giai đoạn huy động vốn dễ dàng, doanh nghiệp BĐS đầu tư, mua sắm nhiều thì đến thời điểm khó khăn như thế này thì cần phải bán bớt tài sản đi, phải chấp nhận hoà vốn hoặc lỗ một chút, phải phối hợp với ngân hàng để trả nợ chứ không thể ngồi im chờ ngân hàng hỗ trợ, gia hạn, như thế là không công bằng. 

"Mỗi doanh nghiệp nắm một lúc 30 - 40 dự án mà cứ ngồi giữ thì làm sao mà thoát ra được", như thế ngân hàng cũng không thể hỗ trợ được. 

Vị tổng giám đốc ngân hàng này khẳng định nếu doanh nghiệp BĐS minh bạch, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng phải xem lại cách sử dụng vốn của mình, không thể dùng tiền dự án này sang dự án khác.

Về phía các cơ quan nhà nước cần làm những biện pháp để khôi phục niềm tin cho thị trường. Về lãi suất, ông Vinh cho rằng lãi suất đã giảm rất nhiều kể cả các khoản vay cũ. Lãi suất là yếu tố quyết định bởi thị trường, cạnh tranh không thể yêu cầu một mức lãi suất ưu đãi được, đó là điều phi thị trường. 

Theo ông, nếu như các dự án BĐS có đầy đủ pháp lý thì tôi cho rằng đó là lĩnh vực rất an toàn, ngân hàng sẵn sàng cho vay.

"Từ giờ đến cuối năm chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 10.000 tỷ cho lĩnh vực BĐS cho các dự án tốt, BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở. Những dự án đang cầm hoặc trót cầm thì đã đâm lao phải theo lao. Cho nên những dự án đang khó khăn, như Novaland, xong được pháp lý thì chúng tôi giải ngân ngay", ông Vinh chia sẻ.

H.T