TGĐ Vietnam Airlines: Thiếu hụt máy bay do bảo dưỡng động cơ là thách thức rất lớn của ngành hàng không năm 2024
Phát biểu tại Hội nghị Hàng không quốc tế (IAS) khai mạc sáng 28/2, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định, ngành hàng không khá nhạy cảm và dễ bị tác động bởi với những sự biến động của môi trường kinh doanh, bối cảnh thế giới từ: Thời tiết, dịch bệnh, chiến tranh, kinh tế…
Trong những năm gần đây, sự bất định của bối cảnh thế giới ngày càng gia tăng đặt ra thách thức đối với ngành hàng không cần thay đổi để ứng phó với biến động. Ngành hàng không phải đối mặt với đại dịch COVID-19, sau đó lại xuất hiện những căng thẳng địa chính trị, kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…
Hội nghị hàng không quốc tế IAS là sự kiện thường niên được tổ chức trong 27 năm qua. Mỗi năm sẽ có một hãng hàng không giữ vai trò chủ nhà như Lufthansa, Air China, Cathay Pacific…với nhiều chủ đề khác nhau.
Năm 2024, Vietnam Airlines là hãng hàng không giữ vai trò chủ nhà với chủ đề hội nghị “Navigating Aviation in a Never Normal World - Ngành hàng không: Điều hướng tương lai trong bối cảnh bất định".
Thách thức lớn nhất đối với các hãng hàng không ở giai đoạn hiện tại là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nhân lực gây ra vấn đề thiết hụt vật tư, linh kiện và các cơ sở bảo dưỡng, trang thiết bị phục vụ cho máy bay.
Với Vietnam Airlines, dòng động cơ NEO bị ảnh hưởng. Cả thế giới có hơn 3.500 động cơ NEO bị ảnh hưởng trong đó Vietnam Airlines có 24 động cơ, tương ứng với 12 máy bay phải đưa vào kiểm tra, bảo dưỡng.
"Điều này khiến đội bay thân hẹp của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng, hiện chúng tôi có khoảng 60 máy bay A321 thì có tới 12 chiếc phải tạm dừng khai thác để đưa vào kiểm tra. Trước đây, thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày", ông Hà nói.
Việc thiếu hụt tàu bay do phải kiểm tra, bảo dưỡng gây thách thức rất lớn cho các hãng hàng không, phải quản trị để vẫn đáp ứng được tải cung ứng, phục vụ cho thị trường, phải khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.
Trong dài hạn, ngành hàng không cũng phải tăng cường quản trị để rút ngắn quá trình bảo trì, bảo dưỡng nhằm tăng nguồn lực.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới bất định - VUCA, để vươn lên những tầm cao mới, một hãng hàng không cần phải điều hướng trong môi trường phức tạp của ngành hàng không bằng cách tập trung vào tầm nhìn chiến lược, phân tích thị trường, trải nghiệm khách hàng, áp dụng công nghệ, phát triển bền vững, an toàn, tuân thủ quy định, sự tham gia của nhân viên.
Trong đó, cấp quản lý hãng hàng không sẽ theo dõi sát sao các xu hướng thị trường, hành vi khách khách hàng và chiến lược của các đối thủ cạnh tranh để xác định cơ hội tăng trưởng và nhận biết các mối đe dọa tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, cần quản lý đội bay hiệu quả. Cần lựa chọn mở rộng hoặc hiện đại hóa đội bay, xem xét các yếu tố như hiệu suất máy bay, hiệu quả nhiên liệu, phát triển bền vững với môi trường, đồng thời cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu và thu hút hành khách quay trở lại.
Việt Nam cần có sức hút hơn giữ chân khách quốc tế
Đánh giá về triển vọng của ngành hàng không năm 2024, ông Hà cho biết bên cạnh những yếu tố bất lợi, khó khăn, thị trường năm nay cũng có một số điểm sáng đến từ thị trường hàng không quốc tế. Hàng không quốc tế đang có sự phục hồi nhanh hơn cả dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Với Việt Nam, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau khi Chính phủ đưa ra những chính sách tập trung hơn cho du lịch và cởi mở hơn trong visa.
Ông đánh giá, khách quốc tế đang dần quay trở lại nhưng vẫn chưa bằng năm 2019 do vẫn yếu trong việc thu hút khách du lịch ở các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Các thị trường châu Âu, Australia và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á lượng khách đến Việt Nam đang khá tích cực.
Tuy nhiên, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn cần đảm bảo tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam với các nước trong khu vực. Bản thân du lịch Việt Nam cần có sức hút, tính cạnh tranh để giữ được khách đến và quay trở lại, ông Hà nhận định.