|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TGĐ Simexco: Giá tiêu sẽ khó có đợt tăng 'sốc'

17:30 | 05/08/2024
Chia sẻ
Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Simexco cho rằng giá tiêu khó lòng có đợt tăng "sốc" thứ hai bởi các thị trường lớn đã mua đủ hàng và đang trong giai đoạn chờ đợi.

Giá tiêu chững lại sau đợt tăng mạnh

Giá tiêu duy trì xu hướng đi ngang trong vòng hơn một tháng qua sau khi đạt đỉnh 8 năm hồi tháng 6 là 180.000 đồng/kg. Tính đến đầu tháng 8, giá tiêu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai dao động quanh mức 148.000 đồng/kg.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm nay, giá tiêu trải qua một đợt tăng mạnh 125% từ mức khoảng 80.000 hồi đầu năm lên 180.000 đồng/kg vào giữa tháng 6 trong bối cảnh thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Tại Việt Nam, hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen với cà phê.

Nguồn: baoquocte (H.Mĩ tổng hợp)

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) hiện ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước, đây cũng là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây.

Trong khi đó, số liệu cho thấy tính đến hết tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu ước khoảng 142.500 tấn, kim ngạch đạt 634 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ 2023.

Như vậy, vẫn còn 7-8 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới (dự kiến sau Tết nguyên đán từ tháng 2/2025) trong khi lượng hàng còn trong dân và đại lý, doanh nghiệp không còn nhiều. 

Nguồn cung trong nước chịu áp lực giảm cộng với việc sản lượng hồ tiêu ở các nước khác như Brazil, Indonesia được dự báo giảm trong năm cũng sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá tiêu trong các tháng cuối năm. 

Theo VPSA, việc thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến giá tiêu trong thời gian tới tiếp tục có những đợt biến động bất thường như trong thời điểm ngày 11/6 khi buổi sáng giá tăng mạnh 20.000 đồng/kg nhưng buổi chiều lại giảm mạnh xuống trở lại.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Khó có đợt tăng 'sốc' thứ hai 

Giá tiêu tăng mạnh nhưng người bán lại không vội vàng. Nhiều người trồng vẫn chưa bán ra mà lựa chọn ngồi chờ cho giá tăng thêm nữa.“Tuy nhiên, đôi khi điều này làm họ mất cơ hội”, ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk – Simexco, doanh nghiệp trong Top 7 thị phần xuất khẩu tiêu, chia sẻ tạihội nghị tổng kết ngành hồ tiêu được tổ chức mới đây.

Theo ông Huy phân tích, lượng hàng tồn kho của Việt Nam còn khoảng 30% tương đương 50.000 - 55.000 tấn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay các thị trường mua hàng truyền thống của Việt Nam đã nhập khẩu lượng lớn tiêu. Điều này đồng nghĩa rằng họ cũng không vội mua thêm hàng và đang đợi. 

Do đó, vị này cho rằng mặc dù tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn tiếp diễn, nhưng giá tiêu sẽ khó có đợt tăng mạnh như hồi đầu năm.

“Khả năng giá tiêu sẽ vẫn nằm ở mức này trong thời gian tới. Nông dân vẫn kỳ vọng giá sẽ tăng sốc trở lại nhưng theo cá nhân tôi thì điều này rất khó”, ông Huy cho biết. 

Theo số liệu của VPSA, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ và Đức đều tăng mạnh trong nửa đầu năm khi lượng tiêu xuất sang Mỹ tăng43,8% về lượng (đạt 37.252 tấn) và 65,2% về trị giá trong khi lượng xuất sang Đức gấp đôivề lượng (đạt 9.598 tấn) và 2,56 lần về trị giá. 

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 26,3% và Đức là thị trường xếp thứ hai.

 Nguồn: VPSA (Hoàng Hiệp tổng hợp)

Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 6, lượng tiêu xuất khẩu sang các thị trường lớn bắt đầu chững lại, với lượng giảm khoảng 26% so với tháng 5 và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Mỹ, lượng nhập khẩu đạt gần 7.000 tấn, giảm khoảng 10% so với tháng 5. Còn tại Đức, lượng nhập khẩu gần không đổi so với tháng 5 sau nhiều tháng bứt tốc. 

 Số liệu: VPSA (H.Mĩ tổng hợp)

Giá xuất khẩu tiêu cũng phụ thuộc một phần vào chi phí vận chuyển trong khi loại chi phí này đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua. 

VPSA cho hay các nhà phân tích dự kiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay. Từ đầu năm đến nay, giá cước đã tăng gấp 5 lần. Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch COVID-19.

Chi phí vận chuyển tăng sẽ làm tăng giá bán và nếu giá đến tay người tiêu dùng quá cao có thể khiến cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này giảm.

H.Mĩ

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.