TGĐ Phạm Như Ánh: MB đặt mục tiêu nâng tỷ trọng bán lẻ trên 50% trong năm 2024
- Theo ông, trong năm 2024, ngành ngân hàng sẽ đứng trước những thách thức lớn gì? Áp lực từ Fed, tỷ giá tác động thế nào đến tăng lãi suất?
TGĐ Phạm Như Ánh: Theo tôi nghĩ là sự phục hồi của nền kinh tế. Trong quý I, nền kinh tế vẫn phát triển nhưng sự phục hồi là chậm. Trong khi đó, tình hình thế giới nhiều bất ổn, xung đột tại Trung đông, Nga - Ukraine hay lạm phát ở Mỹ vẫn còn bất an. Fed dự kiến tháng 3 giảm nhưng hiện nay đã lùi sang quý I.
Diễn biến nền kinh tế chung là một thách thức lớn. Do đó, với ngành ngân hàng để đảm bảo được kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2024 cần phải tối ưu hóa chi phí, tối ưu hóa hoạt động.
Fed duy trì lãi suất cao và Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ khiến áp lực lên tỷ giá trong quý I. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chính sách quyết liệt để hỗ trợ tỷ giá, trong đó lãi suất liên ngân hàng có tăng, nhưng NHNN vẫn duy trì lãi suất trên thị trường 1 thấp để đảm bảo ngân hàng có mức huy động tốt và cho vay vừa phải, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ năm 2024.
Tôi nghĩ NHNN và chính phủ cũng đang quyết liệt để có những sự cân bằng giữa chính sách tiền tệ và tỷ giá trong năm 2024.
- Năm 2024, Ngân hàng Quân đội (MB) đặt mục tiêu như thế nào và đâu là cơ sở để thực hiện mục tiêu đó?
TGĐ Phạm Như Ánh: Năm nay tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn nhưng MB trình đại hội đồng cổ đông mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 6 - 8%, tương đương 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi phấn đấu lợi nhuận tập đoàn đạt 30.000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, MB dựa trên yếu tố tập khách hàng lớn. Hiện chúng tôi đang có 26,5 triệu khách hàng, dự kiến năm nay sẽ tăng lên 30 triệu khách hàng. Từ đó, chúng tôi có được giá vốn rẻ như năm vừa rồi, CASA của MB ở mức 40% và dự kiến duy trì năm nay khoảng 32%.
- Hiện tại, nhiều ngân hàng đang tăng trích lập để dự phòng rủi ro về nợ xấu. Vậy kế hoạch năm nay của ngân hàng là gì?
TGĐ Phạm Như Ánh: Trích lập dự phòng theo quy định, muốn làm nhiều cũng không được vì như thế thì nó ảnh hưởng tới lợi nhuận và thuế cho NSNN. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% cho các năm tiếp theo. Năm 2024 tiếp tục trích lập dự phòng để đảm bảo tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
- MB có những giải pháp nào để tăng trưởng tín dụng bền vững?
TGĐ Phạm Như Ánh: MB trong các năm vừa qua đều tập trung vào chuyển dịch sang bán lẻ. Năm nay tiếp tục chiến lược 2022 - 2026 là chuyển dịch MB thành ngân hàng bán lẻ với quy mô tổng dư nợ trong năm 2024 là trên 50% dư nợ bán lẻ.
Mảng bán lẻ tương đối an toàn và phù hợp với chiến lược phát triển của MB do chúng tôi có lượng khách hàng rất lớn trên các nền tảng.
- MB đã đạt mục tiêu 30 triệu khách hàng trong năm 2023, ông có thể chia sẻ tầm nhìn đối với chỉ tiêu này, doanh thu đầu khách hàng dự kiến khoảng bao nhiêu?
TGĐ Phạm Như Ánh: Trong những năm tiếp theo, MB đặt mục tiêu 40 triệu khách hàng, chiếm 60 - 70% thị phần người dân Việt Nam đủ điều kiện để mở tài khoản. Đây là thách thức và cũng là tham vọng lớn của MB.
Theo chiến lược 2022 - 2026, MB đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp số, có từ 50 - 70% doanh thu phát sinh trên kênh số, trong đó có nền tảng app MBB.
- Hiện tại các ngân hàng đang chú trọng rất lớn về an ninh an toàn, trải nghiệm khách hàng. Vậy MB sẽ đẩy mạnh, đầu tư cho công nghệ như thế nào để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng?
TGĐ Phạm Như Ánh: Trải nghiệm khách hàng và bảo mật khách hàng trong những năm vừa qua là điểm nóng của thị trường, và MB tiếp tục đầu tư mạnh cho công tác công nghệ thông tin để đảm bảo trải nghiệm khách hàng tốt và bảo mật.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ “go live” tính năng dùng sinh trắc học khi chuyển tiền. Đã đầu tư xong và dự kiến sẽ triển khai để giúp khách hàng quản lý tài khoản tốt hơn, tránh lừa đảo như thời gian vừa qua.
- MB có định hướng phát triển ESG như thế nào?
TGĐ Phạm Như Ánh: ESG đã tích hợp vào chiến lược chung của ngân hàng trong năm 2022 -2026, trong đó có nhiều cấu phần, đặc biệt là tín dụng hướng đến tín dụng xanh. Năm 2023, chúng tôi có gần 65.000 tỷ dư nợ tín dụng xanh, chiếm 10% tổng dư nợ toàn ngân hàng. Năm nay, chúng tôi dự kiến duy trì ở mức 11 - 12% tổng dư nợ.
Các cấu phần khác của ESG đang tích hợp và thực hành trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông vì những thông tin chia sẻ!