|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank vươn lên dẫn đầu về tỉ lệ CASA 9 tháng đầu năm

12:16 | 23/11/2020
Chia sẻ
Trong khi tỉ trọng tiền gửi không kì hạn tại nhiều ngân hàng sụt giảm trong 9 tháng đầu năm thì Techcombank lại tạo dấu ấn với mức tăng trưởng hơn 23% về số dư, đưa tỉ lệ CASA của ngân hàng lên trên 37%.

Tỉ trọng tiền gửi không kì hạn giảm tại nhiều ngân hàng

Tiền gửi không kì hạn (CASA) là nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng và được đánh giá là một trong những chỉ tiêu tài chính có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các nhà băng.

Theo thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí III, số dư tiền gửi không kì hạn tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng 6,5% so với cuối năm trước, cao hơn mức tăng trưởng tiền gửi khách hàng nói chung (5,9%). Tuy nhiên giữa các ngân hàng lại có sự phân hoá rõ rệt.

2/3 số ngân hàng trên có số dư tiền gửi không kì hạn tăng và nhiều ngân hàng tăng mạnh như Ngân hàng Bản Việt tăng 35,3%; VPBank tăng 34,3%; Techcombank tăng 23,4%; HDBank tăng 22,8%; TPBank tăng 21%;...

Tuy nhiên, có tới 13 ngân hàng trong nhóm khảo sát ghi nhận tỉ trọng tiền gửi không kì hạn trên tổng tiền gửi khách hàng giảm. Mức giảm mạnh nhất là tại Saigonbank từ 11,1% xuống 6,2% hay như tại SeABank giảm từ 10,2% về 6,3%; SCB giảm từ 8,5% xuống 5%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm tỉ trọng một phần do sự giảm về số dư tiền gửi không kì hạn trước tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 và một phần do sự tăng trưởng của nhóm tiền gửi có kì hạn. 

Khó khăn về kinh tế những tháng đầu năm không những làm giảm thu nhập của nhiều người mà cũng khiến cho người gửi tiền cũng trở nên khá cân nhắc trong việc để tiền nhàn rỗi tại ngân hàng.

Theo nhận định vào tháng 7 của VCBS, tỉ lệ tiền gửi không kì hạn suy giảm ở tất cả các ngân hàng vào cuối quí II (mức giảm trung bình từ 2% đến 4%) do khách hàng có nhu cầu về thanh khoản. Tỉ lệ CASA sụt giảm sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận và lợi nhuận cuối cùng của các ngân hàng.

Tỉ lệ tiền gửi không kì hạn tại các ngân hàng vào cuối tháng 9/2020

Techcombank vươn lên dẫn đầu về tỉ lệ CASA 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC các ngân hàng quí III.

Techcombank vươn lên dẫn đầu về tỉ trọng CASA

Có được nguồn tiền gửi không kì hạn dồi dào sẽ giúp cho biên lợi nhuận các ngân hàng được nới rộng. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng chiếm được ưu thế này.

Vietcombank, Techcombank và MB trong những năm gần đây là những ngân hàng có được ưu thế tốt nhất về tiền gửi không kì hạn nhờ những đặc thù và chiến lược đặc biệt của mình. Tỉ trọng tiền gửi không kì hạn trên tổng tiền gửi khách hàng tại ba ngân hàng này thường có cách biệt khá lớn so với nhóm những ngân hàng còn lại.

Đáng chú ý, trong quí III, Techcombank đã vươn lên vị trí thứ nhất về tỉ lệ CASA với con số 37,1% cách xa mức 28% của Vietcombank.

Khi so sánh về chiến lược của hai ngân hàng này, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định Vietcombank và Techcombank có những định hướng khác biệt. Trong khi Techcombank tập trung vào phân khúc bán lẻ thì Vietcombank lại tập trung vào huy động CASA từ doanh nghiệp.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc mở rộng thị phần của Vietcombank để cải thiện CASA từ đây khá khó khăn do Vietcombank hiện nay đã dẫn đầu về thị phần trong mảng này. Theo VCSC, mức chi phí vốn VCSC ước tính của Techcombank là 3,22%, sát với mức 3,15% của Vietcombank.

Tuy nhiên, trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt về tiền gửi không kì hạn, Techcombank đã chọn lấn sân sang thị phần khách hàng doanh nghiệp để phát triển CASA. Ngân hàng đã cho ra mắt nền tảng F@st Ebank với mức đầu tư khoảng 30 triệu USD nhằm cung cấp dịch vụ giao dịch miễn phí cho doanh nghiệp. 

Ngân hàng kì vọng có thể thu hút thêm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), từ đó gia tăng CASA cũng như doanh thu phí trong tương lai.

Diệp Bình

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.