|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank và bài toán CASA hậu COVID-19

09:10 | 28/05/2020
Chia sẻ
Tăng trưởng của dịch vụ thanh toán có thể bị chậm lại do COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng CASA của Techcombank trong 2020.

Tiền gửi không kì hạn giảm gần 4.000 tỉ đồng

Tiền gửi không kì hạn đồng nghĩa với nguồn vốn giá rẻ, có chi phí rất thấp so với tiền gửi có kì hạn. Theo đó, tỉ lệ CASA (Current Account Savings Account) hay tỉ lệ tiền gửi không kì hạn cao sẽ dẫn tới chi phí vốn thấp và tăng tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).

Đây cũng là một trong ba nguyên nhân tạo nên tỉ suất lợi nhuận cao của Techcombank trong năm 2019, một trong ba ngân hàng có tỉ lệ CASA cao nhất hệ thống, cùng với Vietcombank, MB.

Trong khi hai nhà băng có yếu tố nhà nước có được những ưu thế đặc thù do có các khoản tiền gửi thanh toán của công chức Nhà nước và từ phía quân đội thì Techcombank lại là "tự thân vận động". 

Chia sẻ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào cuối 2019, Bà Trần Thị Minh Lan Giám đốc Khối Chiến lược & Phát triển Techcombank cho biết "Việc có thể cạnh tranh và vượt qua được hai ngân hàng Vietcombank và MB về CASA là một điều không dễ dàng".

Để có được lượng tiền gửi không kì hạn lớn, Techcombank đã thu hút khách hàng bằng việc thực hiện các chương trình thu hút khách hàng như Zero fee miễn phí các giao dịch chuyển khoản và hoàn tiền (Cash back) 1% không giới hạn từ quí III/2018,... cho khách hàng cá nhân.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đã chi khoảng 260 tỉ đồng cho chương trình cash back nhưng đã mang về 1.200 tỉ đồng cho giảm chi phí huy động, giúp bù đắp lại các chi phí đã bỏ ra.

Được biết, với chiến lược tập trung tiền gửi, tỉ lệ CASA của Tecchcombank đã tăng từ 21,25% trong quí I/2018 lên gần 33% vào cuối năm 2019, vượt qua Vietcombank và chỉ đứng sau MB.

Tuy nhiên, vào cuối quí I/2020, tỉ lệ CASA của Techcombank đã sụt giảm từ 32,88% xuống 30,7%. Số dư tiền gửi không kì hạn vào cuối quí I đã giảm gần 4.000 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm còn 72.173 tỉ đồng. 

Techcombank và bài toán CASA trước tác động của dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC của Techcombank (Thu Hoài tổng hợp).

Theo số liệu tính toán của Techcombank và CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỉ lệ CASA của Techcombank ở mức 34,5% vào cuối năm 2019 và giảm về 32,2% vào cuối quí I/2020.

BVSC cho rằng tỉ lệ CASA của Techcombank giảm là do yếu tố mùa vụ và ảnh hưởng một phần bởi dịch COVID-19. 

Mặc dù tiền gửi không kì hạn giảm, Techcombank vẫn là ngân hàng có NIM cao nhất trong quí I/2020 khi đạt 4,55% (không tính tới hai ngân hàng cho vay tiêu dùng nhiều là VPBank, HDBank) nhờ chi phí vốn thấp, CASA cao thứ 2 trong hệ thống ngân hàng.

Trong cuộc họp với các chuyên gia phân tích mới đây, lãnh đạo của ngân hàng cho biết "Chúng tôi không thấy có nhiều ảnh hưởng của COVID-19 trong quí I".

Techcombank và bài toán CASA hậu COVID-19 - Ảnh 2.

So sánh tỉ lệ CASA giữa các ngân hàng vào cuối quí I (Nguồn: BVSC).

Bài toán tăng trưởng CASA của Techcombank hậu COVID-19

Mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng các công ty chứng khoán đều nhận định ngành ngân hàng nói chung cũng như Techcombank nói riêng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020. 

Do tác động của dịch COVID-19, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng sẽ đi ngang do tiếp tục tăng trưởng dịch vụ thanh toán trong khi chi phí có thể vẫn ở mức cao nhằm thu hút tiền gửi không kì hạn, tăng CASA.

Hơn nữa, cuộc chạy đua hút vốn giá rẻ ngày càng khốc liệt khi nhiều ngân hàng áp dụng mức phí 0 đồng, miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển khoản, in sao kê...đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Trước môi trường cạnh tranh khốc liệt, nếu không đưa ra chiến lược mới, Techcombank có thể sẽ mất thị phần bởi những ngân hàng khác với những dịch vụ miễn phí tương đương. Mới đây, với mục tiêu phát triển CASA theo hướng nguồn từ khách hàng doanh nghiệp, Techcombank đã ra mắt nền tảng F@st Ebank, cung cấp dịch vụ giao dịch miễn phí cho doanh nghiệp.

Ngân hàng cho biết đây là dự án với mức đầu tư khoảng 30 triệu USD, nền tảng này đã cung cấp một số dịch vụ thử nghiệm từ tháng 8/2019 và chính thức triển khai tất các dịch vụ chính từ tháng 4/2020.

Với nền tảng mới này, Công ty Chứng khoán Bảo Việt BVSC kì vọng Techcombank sẽ tiếp tục có thể thu hút và phục vụ thêm nhiều khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Từ đó giúp cho ngân hàng gia tăng CASA cũng như doanh thu phí trong tương lai.

Bên cạnh mục tiêu về CASA, Techcombank cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác như  cho vay khách hàng có dấu hiệu tăng trưởng chậm, cạnh tranh trên thị trường dịch vụ, bancas và nguy cơ sụt giảm chất lượng tài sản khi tỉ trọng dư nợ liên quan đến bất động sản (vốn là lĩnh vực khá nhạy cảm với biến động kinh tế) ở mức cao.

Thu Hoài