|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank: Cho vay khách hàng không tăng kể từ năm 2018, đâu là động lực tăng trưởng?

07:23 | 17/05/2019
Chia sẻ
Theo đánh giá của HSC, lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp và chi phí dự phòng sẽ là hai động lực chính thúc đẩy hoạt động của Techcombank tăng trưởng trong năm 2019.
Techcombank: Cho vay khách hàng không tăng kể từ năm 2018, đâu là động lực tăng trưởng? - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Ảnh: Techcombank).

Trong quí đầu năm 2019, tín dụng của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) gần như giữ nguyên, còn giảm 0,3% so với đầu năm. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), sự tăng trưởng chậm này là do việc tập trung cho vay cao đối với khách hàng cho vay mua nhà tại các dự án bất động sản của VinGroup.

Năm 2018 và đầu năm 2019, một số dự án của Tập đoàn này đã chậm triển khai khiến cho tăng trưởng cho vay kém và ngân hàng đã tạm thời phải đầu tư và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu tín dụng được giao.

Cho vay khách hàng chỉ tăng 2,4% so với đầu năm đạt 163.830 tỉ đồng. Trong đó cho vay ngắn hạn tăng 1,1% với 61.050 tỉ đồng; cho vay trung dài hạn tăng 3,2%. Mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm của Techcombank thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng niêm yết khác như: Vietcombank, MBBank, VIB, HDBank,...(từ 4 - 6%).

Trong khi đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, một hình thức cấp vốn cho khách hàng không qua cho vay, lại giảm 7,6% so với đầu năm còn 55.140 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Techcombank tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng có thể hủy ngang rất lớn là 117.023 tỉ đồng, chiếm gần 72% tổng dư nợ cho vay, cho một số nhóm khách hàng lớn (tại thời điểm cuối năm 2018 là 124.600 tỉ đồng.

Lợi suất đầu tư trái phiếu và chi phí dự phòng là động lực tăng trưởng chính

Mặc dù tăng trưởng cho vay thấp và lợi suất gộp cho vay khách hàng giảm nhưng tỉ lệ lãi cận biên (NIM) của Techcombank vẫn nằm trong nhóm cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết vào quí I. Tỉ lệ NIM của ngân hàng đã tăng 0,48% so với cùng kì đạt 4,53%.

Có được điều này là nhờ lợi suất gộp đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao từ 6,49% lên 9,46%.

Cùng với đó, tổng chi phí dự phòng của Techcombank giảm đáng kể gần 80% so với cùng kì xuống còn 167.320 tỉ đồng. Trong đó, 226.45 tỉ đồng là dự phòng cụ thể và hoàn nhập 48.610 tỉ đồng dự phòng chung. Theo HSC, Techcombank gần như không sử dụng dự phòng cụ thể để xử lí nợ xấu trong quí I.

Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,75% lên 1,78% với 120.380 tỉ đồng nợ xấu phát sinh mới.

Dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 12.070 tỉ đồng năm 2019

HSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Techcombank sẽ tăng trưởng 13,3% trong năm 2019 đạt 12.070 tỉ đồng, vượt qua cả mức kế hoạch năm của ngân hàng (11.750 tỉ đồng). 

Báo cáo cũng nhận định rằng mặc dù Techcombank có nhiều khả năng sẽ được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng nhờ hệ số CAR cao, nhưng do sự giảm tốc của thị trường bất động sản và sự chậm triển khai dự án Vincity nên có thể tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ chỉ đạt khoảng 13%, gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

Hệ số CAR tính theo Basel II của ngân hàng ước đạt 14,6% tại thời điểm cuối năm 2019.

Diệp Bình