|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TCT Thép Việt Nam (VNSteel) vẫn mất cân đối tài chính dài hạn, sản xuất chịu sức ép từ giá điện tăng

17:08 | 11/06/2019
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT TCT Thép Việt Nam (VNSteel), nếu giá điện tăng 8,36%, một tấn phôi thép tăng 100.000 đồng. Do đó, với kế hoạch 2,6 triệu tấn phôi, chi phí dự kiến tăng lên 260 tỉ đồng.

VNSteel đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi trong trong năm 2019

Sáng nay (11/6), Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã: TVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Tại đại hội, cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm 3.831 nghìn tấn. Trong đó, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm khối công ty con 2.137 tấn. Kế hoạch sản lượng năm nay của VNStell giảm so với 3.997 tấn thép thành phẩm trong năm 2018.

Về kế hoạch kinh doanh, cổ đông VNSteel thông qua chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 21.000 tỉ đồng, giảm 14,87% so với thực hiện năm 2018. Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế đặt ra là 300 tỉ đồng, giảm 55%.

Nói về kế hoạch kinh doanh sụt giảm mạnh của công ty, theo HĐQT của công ty, thị trường thép thay đổi theo chiều hướng bất lợi cùng với những hạn chế nội tại của VNSteel như năng lực sản xuất đã chạm tới giới hạn nhưng chưa có nhiều dự án đầu tư mới ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong năm tới. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất còn cao, năng lực cạnh tranh thấp cộng thêm nhà máy công nghệ máy móc cũ lạc hậu, công suất thấp… Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 gặp nhiều bất lợi.

TCT Thép Việt Nam (VNSteel) vẫn mất cân đối tài chính dài hạn, sản xuất chịu sức ép từ giá điện tăng - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Đa trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Hoàng Linh

Sức ép lớn từ đối thủ, giá điện tăng

Nói về kế hoạch kinh doanh sụt giảm năm nay, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT VNSteel, về mặt khách quan, theo dự kiến của Hiệp hội thép Việt Nam, tăng trưởng nhu cầu khoảng 10%; thép dài, thép xây dựng tăng trưởng 6 – 7%, trong khi thép dẹt tăng 16 – 17%. Hiện nay, tại TCT Thép, thép dài hầu như không tăng trưởng (2 – 3%), thép dẹt thì giảm sút rất nhiều, thị phần của công ty giảm sút rất mạnh. Đó là yếu tố thị trường.

Riêng đối sản phẩm thép dài từ Hòa Phát sẽ tăng thêm một lượng rất lớn, Nhà máy thép Nghi Sơn cũng tăng thêm 1 triệu tấn phôi. Khu vực phía Nam có nhà máy Tung Ho, Thép Việt có dây chuyền mới, tạo sức ép cung cầu. Điều này ảnh hưởng đến giá bán, chắc chắc giá bán tụt xuống, Chủ tịch VNSteel đánh giá.

Trong khi đó, yếu tố chi phí đầu vào tác động lớn.

"Nếu giá điện tăng 8,36%, theo tính toán của chúng tôi, một tấn phôi thép tăng 100.000 đồng. Do đó, với kế hoạch 2,6 triệu tấn phôi của cả hệ thống đã 'nướng' mất 260 tỉ đồng. Chưa nói đến biến động về giá cả, tỉ giá.

Các khu vực phía Nam hiện nay đang có sự hạn chế cung cấp khí cho sản xuất, tập trung sản xuất cho điện. Nên chắc chắn chi phí sẽ tăng lên", ông Nghiêm Xuân Đa cho biết.

VNSteel mất cân đối tài chính dài hạn, cổ đông 'đói' cổ tức, công ty con 'khát' vốn

Bên cạnh triển vọng kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2019, cổ đông của VNSteel tiếp tục trải qua một năm 'đói' cổ tức do tình trạng mất cân đối tài chính dài hạn (hơn 779 tỉ đồng).

Trên báo cáo tài chính năm 2018 của công ty, tính đến thời điểm 31/12/2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.785 tỉ đồng. Tuy nhiên, một nghịch cảnh tại Tổng Công ty Thép là trong số lợi nhuận lũy kế có thể phân phối trên, phần lớn chưa nhận được từ các công ty con/công ty liên kết.

Cụ thể, lợi nhuận lũy kế chưa chia tại các công ty con, công ty liên kết (sau khi trừ số lợi nhuận dự kiến phân phối trong năm 2019) là 1.994 tỉ đồng. Tính theo tỉ lệ VNSteel nắm giữ thì số lợi nhuận để lại công ty con/công ty liên kết chưa chia về công ty mẹ là 1.146 tỉ đồng, bằng 64% lợi nhuận lũy kế đến 31/12/2018.

Nói về tương lai của cổ tức cho cổ đông, theo báo cáo được Chủ tịch HĐQT, ông Nghiêm Xuân Đa trình bày, VNSteel sẽ báo cáo, trình ĐHĐCĐ xem xét kế hoạch phân phối lợi nhuận ngay sau khi khắc phục được mất cân đối tài chính dài hạn và thu xếp được dòng tiền chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Bên cạnh việc cổ đông 'đói' cổ tức, các công ty con/công ty liên kết của VNSteel cũng 'khát vốn từ công ty mẹ trong năm vừa qua do tình trạng mất cân đối tài chính dài hạn vừa nêu. Cụ thể, trong năm 2018, VNSteel giải ngân được 270,47 tỉ đồng, đạt 24% kế hoạch.

Trong năm 2018, kế hoạch góp vốn của VNSteel là 799 tỉ đồng. Theo đó, TCT VNSteel sẽ góp vốn đầu tư vào Công ty TNHH Thép Miền Nam, CTCP Thép Thủ Đức, CTCP Thép Nhà Bè để tăng vốn điều lệ của các công ty. Tuy nhiên kế hoạch này chưa được thực hiện. Ngoài ra, trong năm 2018, VNSteel đã dừng đầu tư dự án CTCP Thép Nhà Bè.

Hoàng Linh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.