Tây Ninh: Dành 1.800 ha đất cho nhà đầu tư nông nghiệp theo chuỗi, ký kết đầu tư 15.000 tỷ đồng
Những doanh nghiệp này sẽ làm nền tảng dẫn dắt nông dân, trang trại, doanh nghiệp địa phương cùng phát triển.
Đây là nội dung chính trong tham luận của ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tại Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà quản lý tổ chức vừa qua.
Theo ông Phạm Văn Tân, những năm gần đây, giá trị ngành nông nghiệp chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế của tỉnh Tây Ninh, giá trị sản phẩm bình quân đất trồng trọt thu được khoảng 85,5 triệu đồng/ha và và quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% (gần 270.000 ha) diện tích đất tự nhiên.
Tuy nhiên hiện nền nông nghiệp tỉnh Tây Ninh có điểm yếu là phần lớn các nông sản chủ yếu chế biến ở dạng thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển.
Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, hiệu quả kém, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ….
Nguyên nhân là do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.
“Vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng là phải tiến tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, phát triển thương hiệu và thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết ngày 5/11/2016 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Điểm được chú trọng nhấn mạnh là nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm sạch, cụ thể: “Tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Triển khai hiệu quả các nội dung "tam nông", mô hình "liên kết bốn nhà".
Ngoài ra, khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu”.
Theo Trưởng ban Kinh tế trung ương, Chính phủ cũng đã xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba mũi nhọn tái cấu trúc kinh tế đất nước trong thời gian tới bên cạnh phát triển du lịch và công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao nỗ lực của Tây Ninh đã chủ động tiếp cận, làm việc với các đối tác lớn để đưa nông sản của Tây Ninh vào được các thị trường tiềm năng trên thế giới. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuỗi giá trị hội nhập thị trường thế giới.
"Tỉnh Tây Ninh có lợi thế phát triển nông nghiệp với 86% diện tích là đất nông nghiệp, địa hình bằng phẳng, không cao như Tây nguyên, khí hậu ôn hoà, nguồn nước dồi dào với hai con sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng, nguồn nước ngầm dồi dào. Một thuận lợi nũa là vị trí gần thị trường TP HCM với 13 triệu dân, kết nối giao thương với Campuchia qua hai cửa khẩu Mộc Bài và Sa Mát" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.
Tại hội thảo, đã có hơn 10 nhà đầu tư đến từ Đức, Mỹ, Nhật và trong nước ký cam kết và ghi nhớ đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh từ năm 2017-2020.
Tiêu biểu như dự án Trường đào tạo nông dân của công ty DIK – Daiki (Nhật Bản); Vietinbank tài trợ tín dụng cho Lavifood đầu tư chuỗi nhà máy chế biến nông sản; hợp tác giữa thương mại xuất nhập khẩu giữa Tập đoàn Sunrise Orchards (Mỹ) – Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ (Việt Nam) – Công ty DIK (Nhật Bản) – Công ty Chamjoen Youtong (Hàn Quốc)...
Chia sẻ tại hội thảo, ông Raj Sharma đại diện Tập đoàn Sunriser Orchards cho biết những loại rau củ quả nhiệt đới của Việt Nam hiện rất được ưa chuộng tại thị trường các quốc gia ôn đới. Tuy nhiên nông sản Việt Nam muốn vào được thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc... phải đạt những tiêu chuẩn khắt khe.
Đồng quan điểm, ông Kato Ryoji - đại diện chợ đầu mối OTA Wholesale Market (Nhật Bản) cho biết người Nhật đặc biệt quan tâm đến chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Ông gợi ý các doanh nghiệp nên có website thông tin về sản phẩm, và ghi rõ xuất xứ trên nhãn mác bao bì.
Ông Ryoji cũng nhắc nhở rằng, có sản phẩm tốt chưa đủ, mà việc bảo quản sau thu hái cũng rất quan trọng, cần phải có hệ thống nhà kho hiện đại để bảo quản sản phẩm.