|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Taxi Hà Nội đắt gấp ba vẫn 'cháy hàng' ngày mưa bão

16:36 | 19/08/2016
Chia sẻ
Trong khi tổng đài các hãng taxi truyền thống liên tục bận hoặc phải từ chối khách thì những ứng dụng đặt xe như Grab, Uber cũng đồng loạt "nhảy" giá lên gấp đôi, gấp ba.

Nhu cầu di chuyển bằng taxi của người dân Hà Nội tăng đột biến trong chiều 19/8 trước và trong khi cơn bão Dianmu đổ bộ vào miền Bắc. Xe của hầu hết các hãng đều hoạt động hết công suất, trong khi đường dây của các thương hiệu phổ biến như Mai Linh, Taxigroup, Thanh Nga, Thành Công... đều báo bận liên tục. Một số tổng đài viên còn trả lời khách không có xe.

taxi ha noi dat gap ba van chay hang ngay mua bao

Hầu hết các hãng xe taxi đều hoạt động hết công suất trong buổi chiều mưa bão.

"Tôi gọi điện lên tổng đài một hãng quen, còn được nhân viên tư vấn nên gọi cho... hãng khác. Cô ấy nói đích danh tên vì khuyên rằng hãng này trụ sở ở gần khu tôi ở nên chắc chắn nhiều xe. Nhưng ngay cả bên này cũng từ chối vì 'chị thông cảm, ngõ nhà chị khó vào nên giờ này chưa có xe'", một hành khách tên Mai chia sẻ.

Việc đón xe trước cửa các công sở lớn tại các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... rất khó khăn. Chỉ những hành khách nào may mắn mới lên được chiếc xe vừa chở khách tới.

Cùng thời điểm này, cước của các dịch vụ gọi xe phổ biến như Grab, Uber cũng tăng cao. Muốn di chuyển từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi lên khu Ô Chợ Dừa (Đống Đa), anh Tuấn liên tục gọi đặt xe qua Grab và Uber nhưng không thành công. Anh cho biết, dù quãng đường được ứng dụng Grab tính là 3,8 km nhưng phí ước tính lên tới 93.000 đồng. "Thông thường tôi di chuyển chỉ tầm hơn 40.000 đồng", anh nói và cho biết ngay trên ứng dụng cũng giải thích giá cước đắt do nhu cầu hiện tại quá lớn.

Chia sẻ cạnh ngộ này, chị Hoàng Thu (Minh Khai) đặt xe Uber đi từ khu Vincom (Bà Triệu) về nhà cũng được thông báo giá cước đắt gấp gần 3 lần nhưng cũng không có xe đón.

taxi ha noi dat gap ba van chay hang ngay mua bao

Chấp nhận giá đắt hơn nhưng hành khách cũng rất khó bắt được xe qua các ứng dụng.

Trên thực tế, tình trạng khan hiếm taxi tại Hà Nội xảy ra từ giờ tan tầm ngày 18/8, khi cơn mưa giông lớn xuất hiện. Nhiều người cho biết, khi bắt xe trực tiếp còn nhận được những lời đề nghị thách giá của tài xế đòi gấp đôi, gấp ba thông thường mới mở cửa đón khách.

Anh Phương - tài xế một hãng taxi cho hay từ sáng sớm đến giờ chạy liên tục trên đường vì dồn dập có khách, vừa từ tổng đài, vừa là những khách quen. Tuy nhiên, anh cũng cho biết nhu cầu tăng mạnh nhưng số tiền thu về thực tế chỉ gấp khoảng 2 lần thông thường vì cũng phải từ chối tới 4-5 khách do không kịp giờ đón.

"Hơn nữa, dù có chạy liên tục thì xe cũng chỉ đi được một quãng đường trong khoảng thời gian nhất định. Giá cước thì tính theo đồng hồ. Đó là chưa kể trời mưa đi nhiều đoạn đường cũng ngập, tắc hoặc cây cối đổ... nên mất rất nhiều thời gian", anh Phương cho hay.

Trong khi đó, với những lái xe của Uber, Grab, chạy xe vào những ngày "cháy" taxi, thu nhập có thể tăng gấp đôi gấp ba do cơ chế tăng giá khi cung vượt cầu của các dịch vụ này.

Một lái xe cho biết có ngày mưa bão kiếm được tới 2,2 triệu đồng nhưng nếu mưa lớn kèm giông bão thì vừa chạy vừa run vì "cây có thể đổ, đè vào bất cứ lúc nào".

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.