Tập trung vào các dự án đầu tư công còn dang dở
Ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đa số các đại biểu cho rằng, thời gian qua việc đầu tư dàn trải cho quá nhiều dự án đã gây lãng phí nguồn vốn ngân sách và không mang lại hiệu quả.
Bên hành lang quốc hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (đại biểu tỉnh Quảng Trị) để làm rõ vấn đề này.
Ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (đại biểu tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN |
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng vốn đầu tư công thời gian qua?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Mục tiêu chung của Luật Đầu tư công là chống đầu tư dàn trải, tập trung đầu tư ít nhưng hiệu quả. Trong thời gian qua, chúng ta đã kiên trì theo đuổi mục tiêu đó, nhưng rất tiếc vẫn có nhiều dự án tiếp tục được đầu tư mới, dàn trải.
Theo tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn vào các dự án đầu tư công, tôi cho rằng điều này không hợp lý. Bởi theo Luật Đầu tư công thì phải xác định rõ nguồn thu thì mới phân bổ vốn. Tức là dự án trong kế hoạch đầu tư phải xác định được nguồn thu, cân đối được ngân sách để đảm bảo dự án đó triển khai đúng tiến độ, mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, để thực hiện tất cả các dự án được phân bổ vốn trong giai đoạn 2016-2020 thì đang thiếu 60.000 tỷ đồng. Hiện Chính phủ lại đề xuất phân bổ tiếp 94.000 tỷ đồng trong nguồn vốn dự phòng trung hạn, như vậy số vốn còn thiếu lên tới 154.000 tỷ đồng. Điều này là trái với Luật Đầu tư công.
Như vậy, trong khi các dự án đang triển khai đã thiếu vốn mà lại tiếp tục phân bổ vốn cho các dự án mới thì lại càng thiếu vốn. Tôi cho rằng, việc này cần phải xem xét lại đã đúng theo mục tiêu của Luật Đầu tư công chưa? Và theo quan điểm của tôi là chưa đúng.
Phóng viên: Thực tế, thời gian qua có nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian, đội vốn. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, việc này cần phải xem xét lại nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Rõ ràng, theo phân cấp thì Trung ương đã giao vốn cho địa phương, nhưng quan trọng nhất việc để các dự án chậm tiến độ thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, chứ không phải do Trung ương, vì kế hoạch giao rồi, vốn cân đối rồi. Do đó, cần phải xem xét rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc triển khai như thế nào từ việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện... Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng làm chậm tăng trưởng kinh tế; không phát huy được hiệu quả kinh tế của dự án đó... Rõ ràng, việc này gây thiệt thòi rất nhiều mặt và cần phải có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phóng viên: Vây theo ông cần giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, việc triển khai là điều cực kỳ quan trọng. Do đó, việc các dự án triển khai không đúng tiến độ sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ.
Điều này cần sự kiên quyết của Chính phủ, mặc dù khi thảo luận tại các kỳ họp trước của Quốc hội để phân bổ vốn ngay từ đầu nhiệm kỳ thì Chính phủ đã đưa ra giải pháp, nếu như các dự án đang triển khai dở dang mà không triển khai được tiếp thì cho dừng.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi thì ngược lại, chúng ta phải có giải pháp kiên quyết để tiếp tục triển khai dự án bởi đã xác định rằng dự án này là cần thiết phải triển khai, nhưng nếu bị chậm tiến độ thì phải tìm đúng nguyên nhân từ đâu mà để chậm. Thậm chí, phải xem xét trách nhiệm của từng Bộ, UBND các tỉnh, chủ đầu tư. Đặc biệt, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thì thay chủ đầu tư như đã từng làm.
Còn nếu dừng dự án thì lại kéo theo nhiều hệ luỵ, kéo dài thêm thời gian thực hiện, gây hậu quả không tốt. Tôi cũng đề xuất giải pháp, sẽ không cho Bộ đó được triển khai thêm các dự án khi chưa giải quyết xong các dự án cũ chậm tiến độ. Thay vào đó, tập trung nguồn vốn để giải quyết cho các dự án đã được giao và đang triển khai.
Thực tế, hiện có rất nhiều dự án đã giao rồi nhưng không triển khai được, vậy Chính phủ cần tự cân đối vốn trong số vốn mà Quốc hội đã giao. Thậm chí có thể điều chuyển vốn từ địa phương này sang địa phương khác nếu địa phương đó có dự án không triển khai.
Quan điểm của tôi là nên tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang và không triển khai các dự án mới.
Ngoài ra, chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc giai đoạn 2016-2020, vậy cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống đầu tư công cũng như tất cả các dự án, và cân đối vốn ngay cho các dự án đã giao rồi. Đồng thời, kiểm tra xem dự án nào thừa vốn, dự án nào thiếu vốn, dự án nào không thể triển khai được thì phải cân đối vốn trước.