|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Đèo Cả vay nợ hơn 21.000 tỷ cuối năm 2023, chủ yếu nằm ở một ngân hàng

15:51 | 04/04/2024
Chia sẻ
Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận tổng dư nợ vay cuối năm 2023 là 21.463 tỷ đồng. Trong đó, 90% dư nợ vay nằm tại một ngân hàng thương mại thuộc nhóm Big4.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, CTCP Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần 6.358 tỷ doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 642 tỷ đồng; tăng lần lượt 53% và 52% so với năm 2022. 

Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ hợp đồng xây lắp, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa chiếm tỷ trọng lớn nhất (73%), đạt 4.655 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Tiếp đó là nguồn thu từ các trạm thu phí BOT với 1.573 tỷ năm 2023. Còn lại là doanh thu từ các mảng khác nhưng tỷ trọng không đáng kể.

Biên lợi nhuận gộp đạt 20,17% năm qua, giảm so với mức 28,5% của năm trước đó. 

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.

Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản cuối năm 2023 của tập đoàn đạt 46.410 tỷ đồng, trong đó 63% là tài sản cố định. 

Tổng tiền, tương đương tiền và tiền ngân hàng có kỳ hạn đạt 2.455 tỷ tại ngày 31/12/2023, tăng 88% so với đầu 2023.

Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 21.463 tỷ đồng, chiếm 46% tổng nguồn vốn. Trong đó dư nợ vay dài hạn là 19.587 tỷ. Chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với tổng dư nợ khoảng 19.268 tỷ đồng cuối năm 2023.

Năm qua, tổng chi phí lãi vay của tập đoàn là 722 tỷ đồng song con số thực tế chi trả là 1.372 tỷ đồng do doanh nghiệp được vốn hoá chi phí lãi vay. Vốn hóa chi phí lãi vay là việc ghi nhận chi phí lãi vay phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang vào giá trị của tài sản đó.

Vốn chủ sở hữu cuối năm ngoái đạt 9.456 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,56 lần. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm qua là 13,66%, cải thiện so với mức 10,67% năm 2022.

 Ảnh minh hoạ: Đèo Cả.

Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đề xuất đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai từ các dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP HCM - Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.

Về các dự án PPP, trong giai đoạn 2021 – 2030, Đèo Cả dự kiến đầu tư 6 dự án PPP cao tốc và đường sắt quốc tế với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,94 tỷ USD (khoảng 150.000 tỷ đồng). Với kế hoạch này, các bên có tiềm năng hợp tác bằng đầu tư trực tiếp thông qua hình thức liên danh hoặc đầu tư gián tiếp thông qua Đèo Cả như một cổ đông.

Đối với tuyến cao tốc Bắc – Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.700 km cao tốc đã hoạt động, tuy nhiên có tới hơn 1/3 trong đó chưa có trạm dừng nghỉ. Vì thế, tập đoàn cho biết tiềm năng phát triển hệ thống trạm dừng nghỉ, siêu thị mini cũng đang còn nhiều dư địa.

Thêm vào đó, dự báo nhu cầu sử dụng xe hơi trong giai đoạn 2021 - 2024 đang ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu sử dụng trạm dừng nghỉ cho các dịch vụ như mua sắm, nạp nhiên liệu, sửa chữa… cũng tăng lên đáng kể. Cơ hội đặt ra cho các đối tác đối với lĩnh vực này là cùng Đèo Cả thành lập liên danh đấu thầu xây dựng trạm dừng nghỉ hoặc hợp tác đầu tư, xây dựng và kinh doanh các trạm dừng nghỉ.

Bên cạnh đó, các đối tác sẽ cùng Đèo Cả nghiên cứu đầu tư đường sắt, logistics và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời hợp tác đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực.

Hoàng Kiều

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.