|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ocean Group (OGC) đề xuất xóa toàn bộ khoản nợ xấu gần 2.600 tỷ ra khỏi báo cáo tài chính

14:02 | 09/06/2022
Chia sẻ
Ocean Group cho biết đây đều các khoản nợ xấu tồn lại từ năm 2014 đến nay, liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi nhưng không hiệu quả.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông về phương án xử lý đối với các khoản nợ phải thu khó đòi với tổng số tiền 2.553 tỷ đồng, đã được trích lập dự phòng 100%.

Trong đó, nhiều nhất là khoản “Phải thu về cho vay ngắn hạn” với số tiền 1.154 tỷ đồng, tiếp theo là khoản “Phải thu ngắn hạn khác” với số tiền 868,7 tỷ đồng.

 Chi tiết các khoản nợ xấu đã trích lập dự phòng dự kiến được đưa ra khỏi báo cáo tài chính. (Ảnh: OGC).

Doanh nghiệp dự kiến đưa các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng ra theo dõi ngoại bảng cho năm tài chính 2021 và các năm tiếp theo sẽ lấy đây làm cơ sở để OCG lập và trình bày báo cáo tài chính.

Việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng sẽ không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty vì đã lập dự phòng 100% các khoản phải thu. 

Các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính cũng không ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty đối với các khoản công nợ này.

Về thực trạng, các khoản nợ xấu tồn lại từ năm 2014 đến nay, liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp. Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ xấu nhưng không hiệu quả.

OGC cũng đã rao bán nợ nhưng chỉ bán được 1 khoản hỗ trợ vốn với giá trị thu hồi 4 tỷ đồng trên giá trị nợ gốc 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty đã từng thực hiện thủ tục chào bán công khai một khoản nợ xấu với giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỷ nhưng không có đối tác quan tâm mua nợ.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ocean Group và công ty con đã công bố bán đấu giá 8 khoản nợ xấu, tổng dư nợ trên 1.700 tỷ đồng.

Về danh sách nợ xấu được rao bán gần nhất của OGC, tổng giá trị là 1.072 tỷ đồng, lớn nhất là khoản hỗ trợ vốn với giá trị 380,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014.

Tiếp theo là khoản hợp tác ủy thác đầu tư giá trị 270 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bình Dương Xanh phát sinh năm 2014, có tài sản đảm bảo là 27 triệu cổ phiếu công ty Gia Phát.

Hai khoản nợ có giá trị trên trăm tỷ là khoản phải thu 145 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn Liên Việt phát sinh năm 2013 và khoản đặt cọc thực hiện hợp đồng 144 tỷ của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành An.

Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long (mã: OTL), công ty con thuộc OGC cũng thông báo về việc bán khoản nợ xấu phải thu với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà (SDCON) với giá khởi điểm là 20 tỷ đồng, khoảng 3% dư nợ gốc (hơn 640 tỷ đồng).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Duy Anh