|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Cao Su: Tổng doanh thu 2018 giảm hơn 100 tỉ đồng sau kiểm toán, chưa được phê duyệt quyết toán cổ phần hóa

16:39 | 04/04/2019
Chia sẻ
Sau kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018, Tập đoàn Cao su có lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 4.252 tỉ đồng, lợi nhuận ròng gần 3.334 tỉ đồng. Tỉ lệ ROE và ROA đạt lần lượt 6,73% và 4,3%.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 với doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 19.729 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1/1 đến 31/5/2018 đạt 5.639 tỉ đồng, giai đoạn 7 tháng cuối năm doanh thu tăng đột biến lên 14.090 tỉ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính cả năm đạt 791 tỉ đồng. Thu nhập khác là trên 1.716 tỉ đồng, trong đó thu từ tiền bồi thường là 934 tỉ đồng, thu từ cây cao su thanh lý, gãy đổ là 641 tỉ đồng.

Tính chung, Tập đoàn cao su đạt tổng doanh thu 22.699 tỉ đồng trong năm 2018, bằng 103% kế hoạch. Trước đó, theo báo cáo tài chính quí IV (chưa kiểm toán), công ty đạt tổng doanh thu 22.809 tỉ đồng. Như vậy số sau kiểm toán đã giảm 110 tỉ đồng so với trước kiểm toán.

Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 4.252 tỉ đồng, lợi nhuận ròng gần 3.334 tỉ đồng. Tỉ lệ ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) đạt 6,73%, tỉ lệ ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) đạt 4,3%. 

Vốn điều lệ của công ty thời điểm 31/12/2018 là 40.000 tỉ đồng. Tổng tài sản cuối năm 77.308 tỉ đồng, tăng 2.523 tỉ đồng so với ngày 1/6/2018.

Số liệu trên báo cáo tài chính năm 2018 của Tập đoàn Cao su được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ 1/1 đến 31/5, giai đoạn sau từ 1/6 đến 31/12. Sở dĩ như vậy là vì 1/6/2018 là ngày Tập đoàn chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/6/2018 theo Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15/11/2018, Tập đoàn chính thức được chuyển giao sở hữu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến nhấn mạnh: Báo cáo tài chính hợp nhất cho kì kế toán từ ngày 1/6 đến 31/12/2018 là kì kế toán đầu tiên sau khi Tập đoàn chuyển đổi thành công ty cổ phần. Đến thời điểm phát hành báo cáo này (29/3/2019), Tập đoàn và các công ty con trực thuộc 100% vốn điều lệ chưa được phê duyệt quyết toán cổ phần hóa. Do vậy, một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn có thể thay đổi sau khi được phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại ngày 31/5/2018.

Về sản lượng năm 2018, Tập đoàn khai thác được 307.108 tấn mủ khô, nhiều hơn 29.811 tấn so với sản lượng năm 2017 và vượt 5.788 tấn, tương ứng vượt 1,92% so với kế hoạch đã đề ra.

Thị trường cao su khó khăn, kế hoạch 2019 thận trọng

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, tình hình được dự đoán sẽ còn nhiều khó khăn, Tập đoàn đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng khai thác từ 320.250 tấn, thu mua 75.255 tấn; sản lượng tiêu thụ kế hoạch 395.000 tấn.

Nộp ngân sách dự kiến 1.800 tỉ đồng (chưa kề cổ tức phần vốn Nhà nước được chia của năm 2019 dự kiến là 2.300 tỉ đồng), thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Tổng doanh thu các công ty có vốn góp của Tập đoàn dự kiến là 30.700 tỉ đồng (doanh thu hợp nhất dự kiến 24.200 tỉ đồng), tăng 6% so với ước thực hiện năm 2018; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 6.600 tỷ đồng (lợi nhuận hợp nhất khoảng 5.250 tỷ đồng), tăng khoảng 19% so với ước thực hiện năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông công bố mới đấy, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 3 vừa qua ước đạt 112.000 tấn với giá trị đạt 155 triệu USD. Với ước tính này, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2019 đạt 349.000 tấn và 461 triệu USD, tăng 32,8% về khối lượng và tăng 18,5% về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 1.288 USD/tấn, giảm 12,4% so với cùng kì năm 2018. 

Thị trường cao su nguyên liệu trong nước vẫn tiếp diễn trạng thái trầm lắng. Thủ phủ cao su Bình Phước bước vào giai đoạn ngừng cạo mủ. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.

Tính trong 3 tháng đầu năm 2019, giá mủ tại Đồng Nai không có biến động, trong khi tại Bình Phước giá tăng từ 235 đồng/độ lên 255 đồng/độ.

Dự báo trong năm nay, mức tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của toàn cầu sẽ chậm lại, ở mức 2,5%/năm, thêm nữa bất cứ động thái nào của Mỹ áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên, đây cũng là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào những thị trường lớn như trước đây.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Y Vân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.