|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Cao su IPO giá khởi điểm 13.000 đồng/cp, dự kiến thu về 12.834 tỷ đồng

12:32 | 26/09/2017
Chia sẻ

Về phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Tập đoàn Cao su là 40.000 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước sở hữu 75% vốn điều lệ; bán đấu giá 475 triệu cổ phần, tỷ lệ 11,88%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 11,88% cổ phần; số cổ phần còn lại sẽ được bán cho người lao động thường xuyên, người có hợp đồng khoán và tổ chức công đoàn.

Giá IPO là 13.000 đồng/cp, dự kiến thu về 12.834 tỷ đồng

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa công bố phương án cổ phần hoá Công ty mẹ. Giá trị doanh nghiệp cho mục đích xác định giá khởi điểm IPO là hơn 49.224 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 47.290 tỷ đồng.

Giá khởi điểm được xác định theo phương pháp tài sản là 12.200 đồng/cp còn giá khởi điểm do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đề xuất là 13.000 đồng/cp. Do vậy, Tập đoàn đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cp.

VRG sẽ thực hiện bán đấu giá công khai trước. Sau đó, VRG sẽ bán tiếp cho người lao động thường xuyên và hộ nhận khoán, tiếp đến sẽ bán cho tổ chức công đoàn và cuối cùng sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược nếu bán không hết cho các nhà đầu tư.

Về phương án cổ phần hóa, tổng vốn điều lệ của VRG là 40.000 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước sở hữu 3 tỷ cổ phần ứng với 75% vốn điều lệ; bán đấu giá hơn 475 triệu cổ phần, tỷ lệ 11,88%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 475 triệu cp; số cổ phần còn lại sẽ được bán cho người lao động thường xuyên, người có hợp đồng khoán và cho tổ chức công đoàn.

5528 cph 1
Nguồn: VRG

Tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp trong nước có năng lực tài chính, trung bình có vốn điều lệ của năm trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng, có lợi nhuận sau thuế trong 3 năm liên tiếp. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không có lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2016. Doanh nghiệp đó cũng cần cam kết không chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu là 05 năm tính từ khi trở thành cổ đông của Tập đoàn.

Thời hạn hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu dự kiến 1/1/2018. Tuy nhiên, VRG đề nghị chấp thuận thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu là 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được duyệt.

Giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa là 40.736 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn góp Nhà nước xấp xỉ 38.803 tỷ đồng.

Kế hoạch bán cổ phần VRG dự kiến sẽ thu về 12.834 tỷ đồng. Số lượng cổ phần Nhà nước bán bớt là 880,3 triệu cổ phần, số lượng cổ phần phát hành tăng thêm là 119,7 triệu cổ phần.

Tập đoàn có quỹ đất lên đến 5,2 tỷ ha

Tập đoàn hiện đang quản lý quỹ đất lên đến 5,2 tỷ ha. Trong đó đất nông nghiệp với hơn 5 tỷ ha, còn đất phi nông nghiệp gần 186 triệu ha. Quỹ đất của Công ty mẹ chiếm gần một nửa với 2,44 tỷ ha đất trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.

0227 cph 2
Nguồn: VRG

Về phương án sử dụng đất sau khi thực hiện cổ phần hóa, tổng diện tích đất mà Tập đoàn quản lý là 4,92 tỷ m2. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 4,74 tỷ m2, số còn lại 178,5 triệu m2 là đất phi nông nghiệp.

Trong đó, phương án sử dụng đất của Công ty mẹ, 20 công ty nhà nước và 4 đơn vị sự nghiệp quản lý hơn 2,1 tỷ m2. Còn quỹ đất do các Công ty thành viên là CTCP, Công ty TNHH quản lý sẽ tăng 39 triệu m2 so với trước cổ phần hóa do Tập đoàn chuyển giao quỹ đất cho Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiến Giang khi thành lập Công ty để quản lý vận hành, kinh doanh dự án MDF Kiên Giang.

Sau IPO, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 15%/năm

Tập đoàn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 15%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.953 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt bình quân 21%; lợi nhuận/vốn điều lệ bình quân 19 %/năm.

Tập đoàn dự kiến duy trì tổng diện tích cao su đến 2020 khoảng 400.000 ha; trong đó, trong nước khoảng 285.000 ha, nước ngoài 115.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng cường công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60.000 tấn hiện nay lên 105.000 tấn vào năm 2020; Sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn năm 2020.

Với mảng chế biến gỗ, Tập đoàn sẽ tăng công suất gỗ tinh chế và ghép tấm trung bình 10%/năm, sản lượng MDF tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 900.000 m3 vào năm 2020 và nếu thị trường thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư ở khu vực có vùng nguyên liệu lớn như Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, tiếp tục nâng công suất từ năm 2021.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 VRG dự kiến đầu tư, cho thuê 2.120 ha nâng tổng diện tích cho thuê lên 3.402 ha trên quỹ đất cho thuê 6.000 ha. Tập đoàn sẽ chuyển khoảng 5.000 ha đất phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu đến 2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng. 

Hoàng Kiều