Tập Cận Bình nhắn Trump: Hợp tác là lựa chọn duy nhất
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên tỏ thái độ không mấy thân thiện với Trung Quốc, như dọa áp thuế 45% với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, và nói rằng nước này “thao túng tiền tệ”. Chính vì vậy, việc ông đắc cử đã khiến mối quan hệ hai nước gặp nhiều biến động. Đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh cần sự ổn định để giải quyết các thách thức cải tổ trong nước, tốc độ tăng trưởng chậm lại và sự thay đổi lãnh đạo cuối năm 2017.
Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên sau bầu cử Mỹ, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Tập đã điện đàm cho ông Trump hôm nay. Ông cho biết với vị thế là quốc gia phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới, hai bên có rất nhiều lĩnh vực cần phải hợp tác.
“Thực tế đã chứng minh hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả Trung Quốc và Mỹ”, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, “Hai bên cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mở rộng tất cả lĩnh vực trao đổi, hợp tác, đảm bảo người dân có nhiều lợi ích hơn, đưa quan hệ Trung - Mỹ phát triển tốt đẹp hơn”.
Thông báo từ văn phòng chuyển giao quyền lực của ông Trump cũng cho biết: “Trong cuộc trò chuyện, lãnh đạo hai bên đã thiết lập quan điểm rõ ràng về sự tôn trọng lẫn nhau. Tổng thống đắc cử - Trump khẳng định ông tin tưởng hai lãnh đạo sẽ có một trong những mối quan hệ bền vững nhất, giúp cả hai quốc gia cùng tiến lên”.
Hai bên đồng ý duy trì các cuộc nói chuyện và gặp mặt gần gũi. Tuần trước, ông Tập đã gửi thông điệp chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Quan hệ giữa hai nước gần đây xuống cấp do những đồn đoán về ảnh hưởng từ các chính sách của ông Trump quanh vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu và cán cân an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dù vậy, chiến thắng của ông Trump cũng có nghĩa Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó có hiệu lực, do ông không ủng hộ hiệp định này. Vì vậy, Trung Quốc đã ra tín hiệu sẽ thúc đẩy các kế hoạch về hội nhập thương mại trong khu vực. Họ cho biết sẽ tìm kiếm sự ủng hộ về khu vực thương mại tự do tại châu Á - Thái Bình Dương tại một hội nghị ở Peru tháng này.