|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng xuất khẩu: Cần chuyển từ lượng sang chất

14:41 | 02/10/2017
Chia sẻ
Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, Việt Nam không nên chỉ chạy theo con số tăng trưởng mà cần hướng tới sự ổn định về sản xuất, gia tăng giá trị.
tang truong xuat khau can chuyen tu luong sang chat
Ảnh minh họa.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương được TTXVN dẫn lời cho biết, sau 8 tháng, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 133,5 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng hơn 15%. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới hiện nay thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là khá cao

Theo ông Hải, để đạt được kết quả như vậy, thời gian qua Việt Nam tham gia tích cực các hiệp định thương mại tự do. Điều đó đã lôi cuốn các DN tham gia đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực sản xuất, bắt đầu xuất khẩu gia tăng tương đối mạnh.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa trên thế giới hiện đang có xu hướng tăng, kể cả giá hàng nguyên liệu cũng như hàng chế biến. Từ đó khiến khối lượng xuất khẩu gia tăng thì giá trị kim ngạch cũng tăng tương ứng.

Một điểm nữa, đó là sự nỗ lực của Chính phủ khi đã có những hành động cải cách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc giảm bớt các rào cản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. “Việc đơn giản hóa thủ tục vẫn còn là câu chuyện dài, nhưng bước đầu chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả của nỗ lực này và điều này đang được cộng đồng DN hào hứng đón nhận”, ông Hải khẳng định.

Bên cạnh đó, các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày, điện thoại, máy tính vẫn tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới rất cao.

Để giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững và ổn định, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, hiện xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa vào gia tăng về lượng mà điều này thì có giới hạn nhất định. Nếu dựa vào gia tăng về lượng thì không thể tạo ra được tăng trưởng bền vững. Về lâu dài, Việt Nam cần chuyển biến từ gia tăng về lượng sang gia tăng về chất.

Bên cạnh đó, hoạt động điều hành xuất nhập khẩu không nên chạy theo những con số tăng trưởng mà cần hướng tới sự ổn định về sản xuất cũng như phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao mức sống tối thiểu cho người dân.

Theo ông Hải, các mặt hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam vẫn đang nằm ở công đoạn có giá trị thấp trong cả chuỗi giá trị của mặt hàng. Do đó, cần mở rộng sang công đoạn có giá trị cao hơn. Ngoài ra, cần chú trọng khâu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tự bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng thương hiệu của chính mình.

Để giúp DN phát triển thị trường, thích ứng với những rào cản từ thị trường xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương hiện đang tiến hành công cuộc cải cách rất mạnh mẽ trong đơn giản thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.

Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua, trong đó Bộ Công Thương được giao xây dựng 5 nghị định hướng dẫn luật này. Đây là thời điểm Bộ Công Thương đang tập trung rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu để tạo ra sự đột phá, cải cách trong công tác quản lý để vừa bảo đảm quản lý được chặt chẽ nhưng mặt khác lại tạo ra được sự thông thoáng cho DN.

tang truong xuat khau can chuyen tu luong sang chat [Infographic] Xuất siêu nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm lên hơn 5,8 tỷ USD

9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu các mặt hàng nông lâm thủy sản hơn 5,8 tỷ USD, vì trong tháng 9, nước ta ...

T.Minh