Tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng của BIDV đều vượt VietinBank trong quý III
Trong báo cáo cập nhật mới đây về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết kết quả kinh doanh quý III/2021 của ngân hàng xét về tăng trưởng tín dụng, khả năng duy trì biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản đều vượt ước tính của nhóm phân tích.
Tính đến 30/9, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với thời điểm cuối quý II. Con số tăng trưởng này cũng cao hơn mức 1,6% của Vietcombank và 0,8% của VietinBank.
So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 9,2%. Cụ thể hơn, tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân, SME và khách hàng doanh nghiệp lớn lần lượt là 14,8%, 9,8% và 2,7%. Xét về tăng trưởng dư nợ theo ngành, ngành chế biến chế tạo, thương mại và dịch vụ là những động lực tăng trưởng chính.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra trong quý III, NIM của BIDV đạt gần 3%, vượt qua mức NIM theo quý của VietinBank. BIDV thường có NIM thấp nhất trong số 3 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, nhưng cuối 2020, tỷ lệ này lại tăng cao do lãi suất huy động giảm 2 - 2,9 điểm % và xu hướng nợ xấu giảm.
Trong khi đó, VietinBank có tăng trưởng tín dụng thấp hơn và nợ quá hạn tăng trong quý II/2021 khiến lợi suất tài sản trung bình giảm, ảnh hưởng đến NIM.
Nhờ mảng ngân hàng số tăng trưởng tốt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của BIDV đã cải thiện từ mức 18% cuối năm ngoái lên 18,5% trong quý III/2021. Tuy nhiên, nhóm phân tích nhận thấy mức độ cải thiện CASA của BIDV lại tương đối chậm nếu so với VietinBank.
Ngân hàng dự kiến trích lập 7.000 tỷ đồng dự phòng cho nợ tái cơ cấu
Trong quý III/2021, BIDV đã xóa 5.400 tỷ đồng nợ xấu (0,4% tổng dư nợ cho vay vào cuối Q2/2021), khiến tỷ lệ nợ xấu không đổi ở mức 1,6%. Nợ Nhóm 2 cũng biến động quanh mức 1,1%. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cải thiện lên 140%. SSI Research đánh gí những nỗ lực này đã giúp các chỉ tiêu về chất lượng tài sản cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng cần theo dõi sát dư nợ tái cơ cấu. Tính tới 30/9, nợ tái cơ cấu của BIDV đạt 25.000 tỷ đồng, tương đương 1,9% tổng dư nợ (tăng từ mức 9.400 tỷ đồng vào cuối quý II/2021). Theo đó, ngân hàng đã lên kế hoạch trích lập dự phòng 7.000 tỷ đồng nợ tái cơ cấu trong năm 2021.
Tổng kết, do NIM được duy trì tốt hơn nhiều so với ước tính và nợ tái cơ cấu đã tăng gấp đôi trong quý III/2021, SSI Research đã có sự điều chỉnh giả định về NIM và chi phí dự phòng.
Nhóm phân tích dự báo BIDV sẽ duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao trong bối cảnh hiện nay, ở mức 120% vào cuối 2021 và tăng lên 130% vào cuối 2022 (ước tính cũ là 90% và 95%).
Song, SSI Research vẫn duy trì ước tính lợi nhuận ròng không đổi. Lợi nhuận trước thuế nằm 2021 và 2022 được dự báo đạt 13.500 tỷ đồng (tăng 50%) và 15.500 tỷ đồng (tăng 14%).