|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức

18:08 | 02/11/2021
Chia sẻ
Ngày 22/11 tới đây BIDV sẽ chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
BIDV lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức - Ảnh 1.

Một điểm giao dịch của BIDV. (Ảnh: Lê Huy).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, ngày 22/11 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến. Thời gian thực hiện lấy ý kiến kéo dài từ ngày 24/11 đến 4/12/2021.

Tại đại hội cổ đông thường niên hồi đầu năm, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới (tỷ lệ 8,5%) theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Cách đây không lâu, một ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.

Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên của Vietcombank sau 10 năm kể từ lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Trong khi đó, VietinBank đã giải được "nút thăt" về vốn sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức hồi tháng 7 vừa qua.

Mới đây, BIDV đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 10.733 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,4% lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện từ mức 1,76% xuống còn 1,61%.

Lê Huy