Tăng trưởng tín dụng luôn được kiểm soát tốt
Theo báo cáo cập nhật của NH Thế giới (WB) công bố đầu tháng 10 vừa qua, dư nợ tín dụng của Việt Nam tính đến tháng 8/2016 đã tăng tới 18% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.
WB bày tỏ quan ngại tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao có thể đẩy nhanh mức huy động nợ của nền kinh tế, vì cuối năm cũng là thời điểm tín dụng thường tăng nhanh và tăng nhiều để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN. Liệu tín dụng có “tăng trưởng nóng” như e ngại của WB?
Tín dụng tăng mạnh sẽ không quá lo ngại nếu được phân bổ hợp lý vào các ngành sản xuất kinh doanh
Theo điều tra mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), tình hình kinh doanh của đa số TCTD có sự cải thiện dần trong 3 quý đầu của năm 2016. Trong quý IV/2016 và cả năm 2016, có 70-80% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn so với quý trước và năm trước. Một trong yếu tố để đạt được kỳ vọng này nằm ở TTTD.
Theo công bố của NHNN, tính tới ngày 22/9 tín dụng đã tăng 10,64% so với cuối năm ngoái. TS. Bùi Quang Tín (Đại học NH TP. Hồ Chí Minh) thì dự báo, ba tháng cuối năm tín dụng có thể tăng thêm khoảng 10% nữa. “Tăng trưởng hoạt động kinh doanh quý cuối năm theo tôi có nhiều kỳ vọng, thậm chí kỳ vọng mạnh hơn ba quý vừa rồi…”, ông Tín nhận định.
Đồng quan điểm tín dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết năm, nhiều nhà băng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu tín dụng đề ra. Nên lẽ dĩ nhiên, từ nay đến cuối năm các NH sẽ cố gắng đẩy tín dụng lên để đạt kế hoạch, cũng như tạo tiền đề, bệ phóng để có sự tăng trưởng tốt cho năm tới.
Ngoài chuyện chạy theo chỉ tiêu thì việc các NH đẩy mạnh TTTD còn do khả năng sinh lời của NH hiện vẫn khá thấp. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm: “Thông thường tỷ lệ sinh lời khả quan phải 3%, nhưng với các NH Việt Nam hiện nay thì chỉ còn khoảng 2%. Theo tôi, đây là tỷ lệ thấp. Áp lực về NIM (tỷ lệ lãi cận biên) cũng buộc các NH đẩy nhanh tín dụng cuối năm để có được một số tiền lời khả quan và có tiền để trả cho các cổ đông”.
Yếu tố còn lại thuộc về thị trường, khi nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của nền kinh tế trước thời điểm “chốt sổ” bao giờ cũng tăng vượt trội. Các NH dĩ nhiên sẽ đẩy mạnh tín dụng đáp ứng cầu thị trường… Một lo ngại khác, theo các chuyên gia, nếu muốn tăng tốc thì những tiêu chuẩn, những điều kiện cho vay rất có thể sẽ bị dung hoà. Đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, NH khó từ chối “miếng bánh ngon” này. Thế nên, cốt yếu là các NH phải cẩn trọng trong TTTD, đảm bảo tăng trưởng có thực chất.
Phó Tổng giám đốc một NHTMCP thừa nhận tín dụng bất động sản không kiểm soát tốt thì hệ luỵ sẽ rất khó lường. Tuy vậy, vị này cho rằng từ tháng 5/2016 NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016. Trong đó, Thống đốc đã yêu cầu theo dõi, kiểm soát chặt chẽ TTTD của toàn hệ thống cũng như từng TCTD… Như vậy thì tín dụng tăng có “nóng” cũng không sợ “bỏng”.
Thêm nữa, để đạt được các chỉ tiêu tín dụng đề ra, mỗi nhà băng cũng cần xem xét thực tế “sức khoẻ” của mình. Nếu không kham được thì cũng không nên cố, tăng trưởng quá cao trong một quý rất có thể sẽ dẫn tới tác dụng phụ. Vì với những NH nhỏ thì việc chống đỡ với các cú sốc sẽ kém hơn nhiều so với các nhà băng lớn. Xét về toàn cục, tín dụng có tăng mạnh hay không sẽ không quá đáng lo ngại nếu được phân bổ hợp lý trong đầu tư vào các ngành sản xuất kinh doanh khác, giúp cho sự tăng trưởng của cả nền kinh tế…
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết từ nay tới cuối năm, nhu cầu tín dụng chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với những tháng đầu năm. Trong lộ trình và diễn biến lạm phát hiện nay, NHNN vẫn theo dõi rất sát để có giải pháp điều hành phù hợp thực tế…
Liên quan đến vấn đề kiểm tra, giám sát, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, vai trò và trách nhiệm của NHNN trong vấn đề thanh tra, giám sát, kiểm soát tín dụng đặc biệt quan trọng, phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh hiện tượng tín dụng tăng quá nhiều ở những lĩnh vực dễ xảy ra đầu cơ, không mang tính bền vững…
Kế hoạch TTTD của toàn Ngành năm nay là từ 18-20%. Theo Chỉ thị số 04/CT-NHNN, cơ quan quản lý khẳng định sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các TCTD vi phạm chỉ tiêu theo thông báo của NHNN. Theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo TCTD có quy mô và tốc độ TTTD ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung - dài hạn; tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn; tín dụng trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản; tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông… |
Theo Minh Khuê