|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng quý II cao hơn kỳ vọng, vì sao ADB vẫn giữ nguyên dự báo GDP của Việt Nam?

15:19 | 17/07/2024
Chia sẻ
Sau kết quả cao hơn kỳ vọng, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu GDP cả năm 2024 lên 6,5 - 7% thay vì 6 - 6,5%. Tuy vậy, trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á vẫn giữ nguyên triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 đưa ra hồi tháng 4, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.

Ngân hàng Phát triển Châu Á  công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Sáng ngày 17/7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO). Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm, ADB dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam (GDP) trong năm 2024 và 2025 được giữ nguyên đưa ra hồi tháng 4, lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%.

Nêu lý do giữ nguyên dự báo dù Việt Nam đã nâng mục tiêu tăng trưởng từ 6 – 6,5% lên 6,5 – 7%, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, trong nửa đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tương đối thuận lợi với mức GDP tăng 6,42%, cao hơn so với nửa cuối 2023.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do mức nền thấp của năm ngoái, do đó con số tăng trưởng của 6 tháng đầu năm nay cao hơn hơn kỳ vọng. Trong khi đó, nửa cuối năm 2023, Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn nên con số tăng trưởng nửa cuối 2024 sẽ khó duy trì ở mức cao.

Phân tích sâu vào các chỉ số kinh tế, ông Hùng cũng cho rằng, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) đạt được chỉ số tích cực với số lượng đơn đặt hàng trong tháng 6 tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2011. Trước đó, cả năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, PMI luôn dưới ở 50 điểm, cho thấy đến nay xuất nhập khẩu đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhìn vào con số tuyệt đối thì tăng trưởng xuất nhập năm nay cũng gần như chỉ bù đắp sụt giảm của năm ngoái. Cụ thể, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu sụt giảm 15% thì nửa đầu năm nay tăng trưởng trên 14,5%, nhập khẩu năm ngoái giảm 18%, năm nay tăng 17%.

“Do xuất phát điểm nửa đầu năm ngoái thấp, nên mức tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế năm nay là tốt hơn ”, ông Hùng nêu rõ.

Về động lực tăng trưởng trong nửa cuối năm, ông Hùng cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn được hỗ trợ ổn định của khu vực dịch vụ và phục hồi sản xuất. Trong đó, khối đầu tư nước ngoài (FDI) có hoạt động xuất khẩu tích cực kéo theo phục hồi sản xuất phục vụ xuất khẩu tích cực.

“Chúng ta cũng thấy được hoạt động đầu tư tích cực trong nửa đầu năm. Hy vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy trong nửa cuối năm”, ông Hùng kỳ vọng.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công vẫn là động lực chính của kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, dù Chính phủ có nhiều biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công, nhưng thực tế vẫn chậm hơn so với kế hoạch. Do đó, ADB cho rằng, cần phải tiếp tục thúc đẩy động lực này mạnh mẽ hơn thì mới đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng.

Những rủi ro làm chậm đà tăng trưởng 

Còn theo ông Shantanu Chakraborty Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam, dù kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng vững chắc cũng như cao hơn một chút vào năm tới nhưng vẫn có những rủi ro từ bên ngoài có thể làm chậm đà tăng trưởng này.  

Thứ nhất, nhu cầu toàn cầu suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại , đặc biệt ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn. Cả hai quá trình này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, tốc độ bình thường hóa lãi suất ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế tiến tiến khác sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Thứ ba, tăng trưởng trong nước cũng phụ thuộc vào Chính phủ thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ về tài khóa và đầu tư công.

Ông Shantanu Chakraborty Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc). 

Theo ông, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng chậm đã bộc lộ rủi ro về tính dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế Việt Nam như phụ thuộc vào công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của khối FDI, thị trường vốn còn non trẻ, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng.

“Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, Chính phủ cần phải kết hợp cả hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn để thúc đẩy nhu cầu trong nước với biện pháp trong dài hạn để giúp Việt Nam tăng trưởng vững hơn”, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam khuyến nghị.

Nguyễn Ngọc