|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt gần 7%

13:15 | 15/07/2024
Chia sẻ
Dù khẳng định GDP của Việt Nam có thể đạt gần 7% trong năm 2024, song các chuyên gia cho rằng, để tăng trưởng phát triển bền vững bên cạnh các cái động lực truyền thống thì phải nhanh chóng áp dụng các cái mô hình kinh tế mới và ưu tiên tập trung tạo nền tảng -  không gian cho tăng trưởng.

Tại toạ đàm kinh tế mùa hè với chủ đề: “Mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng trong bối cảnh thế giới và trong nước còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP quý I, II có xu hướng tăng lên từ 5,87% lên 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 6,42%.

Các chỉ tiêu liên quan cũng cơ bản đạt được như vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đầu tư công, đầu tư tư nhân đều gia tăng, khu vực FDI tăng 10,3%, và tiêu dùng ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khoảng 8,6%.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Tăng trưởng chưa đồng đều

Tuy vậy, ông Hiển cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng này vẫn chưa đồng đều khi so với năm trước khi xảy ra đại dịch với 2/3 ngành kinh tế chủ lực có mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn, nhất là khu vực động lực từ công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong khi đó, dù ngành công nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo có điểm sáng là Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI trên 50 điểm, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, nếu phân tích về dữ liệu về tiêu thụ điện hiện ở mức 50,88%, thấp hơn bình quân của cả năm 2023 (51,25%), điều này phần nào phản ánh tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện.

Tương tự, ngành nông nghiệp, được ví như “trụ đỡ” của nền kinh tế song tăng chậm khoảng 3,38%. Cùng với đó, các “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế của cả nước, một số thành phố trung ương đạt mức chưa cao, thậm chí khiêm tốn, thiếu bền vững.

Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 8,7%, chậm hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 18,5%.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,45%, trong khi cùng kỳ cũng là năm khó khăn đạt 3,83%, như vậy tín dụng tăng nhưng vẫn nằm trong vùng đáy khoảng 10 năm gần đây.

“Việc hấp thụ vốn phản ánh sức sống, khả năng mở rộng sản xuất doanh nghiệp còn nhiều hạn chế”, ông Hiển nhận định.

Cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhưng vẫn còn yếu và thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Xuất khẩu có cải thiện nhưng vẫn chậm.

“Đặc biệt, về xuất khẩu và đầu tư, chúng ta có các cam kết nâng cấp quan hệ với một số đối tác chiến lược nhưng qua phân tích, cơ cấu ở các khu vực thị trường này thấy rõ sự phát triển chưa tương xứng. Vậy vấn đề ở đâu?”, ông Hiển đặt câu hỏi.

Nền tảng phát triển bền vững

Trên cơ sở kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt gần 7% với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bà Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)  

Tuy vậy, bà Minh cho rằng, còn nhiều vấn đề giải quyết để có thể đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững chứ không chỉ là các con số.

Cụ thể, rủi ro lạm phát trong nước vẫn còn hiện hữu do tăng tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng gây ra chi phí đẩy. Do đó, thời gian tới cần phải có những giải pháp để việc tăng lương sẽ tạo ra niềm vui thực sự cho người lao động, thay vì phải đối mặt với làn sóng tăng giá.

“Tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát chi phí đẩy nếu không có các giải pháp đồng bộ. Hiện người dân chắc cảm nhận rất rõ, đặc biệt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, như nơi tôi ở, từ tháng 7, giá gửi xe tăng lên khoảng gần 30%. Tương tự các mặt hàng khác, tôi cho rằng cũng sẽ theo xu hướng tăng giá như vậy”, bà Minh quan ngại.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng trên hai con số. Tuy vậy, tỷ trọng của khu vực FDI vẫn chiếm khoảng gần 72%, còn của khu vực trong nước rất là khiêm tốn. Nếu tình trạng này kéo dài thì sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngày càng rời rời rạc hơn.

“Tôi cho rằng thời gian tới phải quan tâm hơn để doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI hỗ trợ lẫn nhau, cùng song hành và đạt mối quan hệ win-win”, Viện trưởng CIEM nêu rõ.

Bà Minh cũng lưu ý kinh tế thế giới sẽ còn rất nhiều khó khăn, bất định liên quan đến bất ổn địa chính trị, kinh tế trên thế giới, chắc chắn sẽ tác động tiềm tàng tới nền kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm cũng như những năm tiếp theo.

Do đó, bên cạnh các cái động lực truyền thống thì Việt Nam phải nhanh chóng áp dụng các cái mô hình kinh tế mới như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… để tận dụng tối đa các nguồn lực về trí tuệ, nguồn lực về không gian, trong bối cảnh nguồn lực về tài chính, nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn và ngày càng ít đi.

Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong khi các nền kinh tế lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản tăng trưởng thấp và chậm dần thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương có triển vọng tăng trưởng cao nhất dù vẫn trong xu hướng giảm.

Tại Việt Nam, ông Hùng cho rằng, tăng trưởng GDP được dự báo trong khoảng 5 - 6% năm 2024, dù thấp so với kỳ vọng và mục tiêu đặt ra nhưng là tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, thay vì tập trung tăng trưởng nhanh nhờ nguồn lực đất đai, lao động và thị trường như hiện nay, thì thời gian tới Việt Nam cần ưu tiên tạo nền tảng và không gian cho tăng trưởng, trong đó tập trung vào môi trường kinh doanh, hệ thống hành chính có hiệu quả và hệ thống tư pháp có hiệu quả.

Ngọc Bảo

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường