|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 là rất lớn

20:55 | 15/07/2024
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước còn khó khăn, đầu tư tư nhân phục hồi chậm, sức mua yếu, chi phí sản xuất tăng cao,...tạo nên những thách thức với mục tiêu tăng trưởng đề ra.

 Hội nghị sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ KH&ĐT. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Tại Hội nghị sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5 - 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội.

Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế như: IMF dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 là 5,8%, WB là 5,5%, ADB là 6%...

“Kết quả 6 tháng cuối năm không chỉ là cơ sở để khẳng định vững chắc hơn sự phục hồi trở lại của nền kinh tế, mà còn là căn cứ xây dựng, tham mưu các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch năm 2025”, Bộ trưởng nêu rõ.

Thách thức với tăng trưởng kinh tế

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, tình hình thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Cụ thể, trên thế giới, các “điểm nóng” về xung đột quân sự, bất ổn chính trị, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường; triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu còn nhiều nguy cơ, rủi ro, khó khăn, thách thức…

Cùng với đó là những tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, phi truyền thống, đói nghèo…

Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nổi lên 5 vấn đề.

Thứ nhất, áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 là rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

“Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế, vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm cần phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để tăng trưởng bứt phá, đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế”, Bộ trưởng nêu rõ.

Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô do tác động từ bên ngoài.

Thứ ba, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Đầu tư tư nhân phục hồi chậm; sức mua trong nước tăng chậm; chi phí sản xuất tăng cao; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.

Doanh nghiệp còn lúng túng, gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải các-bon… để duy trì sức cạnh tranh, đơn hàng tại thị trường xuất khẩu.

Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết.

Thứ tư, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực.

Cuối cùng, thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Tổ chức thực thi chính sách, pháp luật vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực, một số cơ quan, địa phương còn vướng mắc.

“Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà…”, Bộ trưởng quan ngại.

10 nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%

Về giải pháp, Bộ trưởng đã đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu trọng tâm, trong đó, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu, đề xuất xử lý, tháo gỡ.

“Rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết, xử lý các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI.

Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

“Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, tạo vị thế dẫn đầu cho nước ta trong các xu thế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngọc Bảo