|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Tài chính: Nên dừng chính sách tài khóa mở rộng từ năm 2025

17:29 | 15/07/2024
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đã đến lúc phải dừng thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

 

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị sáng 15/7. (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tài chính)

Sáng 15/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt khoảng 47.300 tỷ đồng. Trong đó, 8.500 tỷ đồng giảm thu theo các chính sách ban hành năm 2023 làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Tổng số các chính sách đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184.860 tỷ đồng, trong đó giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92.300 tỷ đồng và gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92.560 tỷ đồng.

“Các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội”, báo cáo nêu rõ.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024; tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước; nghiên cứu việc giảm mức thu lệ phí trước bạ, tiền thuê đất và một số khoản thu phí, lệ phí khác. Trường hợp thực hiện các giải pháp bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí và lệ phí giảm thêm hơn 30.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và phát triển một cách bền vững, phục hồi.

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, cần phải tăng cường năng lực cho tài chính công để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cao tốc, sân bay, bến cảng và an sinh xã hội, cải cách tiền lương, duy trì hoạt động bộ máy…

"Đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững", Bộ trưởng nêu rõ.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm giải quyết những khó khăn lớn nhất hiện nay, như các khó khăn của doanh nghiệp liên quan tới thiếu vốn, thiếu việc làm do các vấn đề ách tắc về thị trường, chính sách.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến vấn đề giải ngân đầu tư công, bởi một khi đầu tư công bị ách tắc cũng khiến các ngành phụ trợ cũng ách tắc theo, cản trở việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Một lĩnh vực nữa nếu không tháo gỡ được khó khăn cũng khiến kinh tế không thể phát triển là bất động sản. Cùng với đó là cần đưa ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư, để làm sao vừa giải phóng nguồn lực, thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhưng không thất thu ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng lưu ý.

Ngọc Bảo