|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tăng trưởng kinh tế đã chạm đỉnh, chứng khoán Mỹ sẽ khó leo cao hơn nữa

09:10 | 03/08/2021
Chia sẻ
Tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp giảm tốc có thể đồng nghĩa với thị trường chứng khoán Mỹ hạ nhiệt.
Với nền kinh tế đã vươn đến đỉnh cao, chứng khoán Mỹ sẽ  khó leo cao hơn nữa - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Ảnh: NYSE).

Phố Wall ngày càng nói nhiều hơn về tăng trưởng của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp đều đã đạt đỉnh khi đợt hồi phục mạnh mẽ được châm ngòi bởi các gói kích thích tài khóa nhường đường cho các mô hình bình ổn hơn.

Quốc hội và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cung cấp hàng nghìn tỷ USD trong các chương trình tài trợ và cấp thanh khoản. Số tiền này sẽ sớm cạn kiệt hoặc ít nhất là bắt đầu bốc hơi, để mặc nhà đầu tư suy ngẫm về những gì sắp xảy ra với danh mục của họ.

Thị trường chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ phải đối phó với lạm phát kéo dài trong giai đoạn mà các động lực cho tăng trưởng khá mơ hồ.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận xét: "Đây là thế giới mà chúng ta chưa từng đối mặt trong hơn 40 năm, và chúng ta không thể sử dụng lại chiến lược thông thường trong vài thập kỷ qua. Định giá của mọi chứng khoán đều cao bất thường, có nghĩa là nhà đầu tư không được phép mắc sai sót nhỏ nào".

Ông Boockvar nhắc đến chu kỳ "lạm phát kèm suy thoái", trong đó lạm phát lên cao còn tăng trưởng đi xuống. Mỹ đã phải vật lộn với môi trường kinh tế này trong nhiều năm từ giữa thập niên 1970 đến đầu những năm 1980. Trên thực tế, không ai nghĩ tình hình hiện tại sẽ trở nên tồi tệ đến thế, nhưng hai giai đoạn có những điểm tương đồng.

Theo thước đo yêu thích của Fed, lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm, trong khi đó tăng trưởng tuy ổn định nhưng hơi đáng thất vọng. GDP quý II của Mỹ tăng 6,5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 8,4% của Phố Wall (tỷ lệ chuẩn hóa theo năm). Tương tự, dữ liệu sản xuất công bố hôm 2/8 cho thấy ngành này vẫn đang tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến, CNBC cho biết. 

Các yếu tố trên đang kết hợp lại và tái tạo "công thức kinh điển khiến thị trường hoảng loạn vì lo ngại tăng trưởng suy yếu", ông Nick Colas, nhà đồng sáng lập DataTrek Research.

Ông Colas cảnh báo những nhà đầu tư vẫn còn say sưa bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp kỷ lục trong quý II có thể sẽ gặp rắc rối phía trước.

"Lợi nhuận vượt trội trong quý II đã giúp chúng ta gạt đi nỗi sợ tăng trưởng suy yếu mỗi khi chủ đề này được nhắc đến những tuần gần đây. Nhưng với mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đến hồi kết và các xu hướng biến động mùa vụ xuất hiện, nỗi sợ về tăng trưởng có thể bùng lên".

Rắc rối về niềm lạc quan

Giữa các yếu tố về lạm phát đi lên, tăng trưởng giảm tốc và kích thích giảm dần, tâm lý nhà đầu tư vẫn rất lạc quan khi các chỉ số chứng khoán chính dao động quanh mức kỷ lục.

Trên thực tế, niềm lạc quan chói sáng đó đang phát đi tín hiệu cảnh báo, theo Bank of America.

Thước đo tâm lý nhà đầu tư của ngân hàng này đang ở mức gần với tín hiệu "bán" nhất kể từ tháng 5/2007, ngay trước khi thị trường chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục và sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Savita Subramanian, Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ tại Bank of America viết trong lưu ý gửi đến khách hàng: "Chúng tôi đã rút ra rằng tâm lý tích cực của Phố Wall về chứng khoán là chỉ báo ngược đáng tin cậy".

Ông Subramanian cho biết giá trị của thước đo đang chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu (không kể cổ tức) trong 12 tháng tới chỉ là 7%, thấp hơn mức dự báo trung bình là 13% kể từ năm 2009.

Theo CNBC, nền kinh tế giảm tốc không có nghĩa là lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ âm. Tình hình hiện tại có thể chỉ đang báo trước giai đoạn hạ nhiệt sau khi thị trường đã tăng quá nóng từ năm ngoái.

Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng đang giảm đi vẫn là điều đáng lo ngại.

Ông Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley, nói rằng môi trường kinh tế hiện tại có thể sinh ra rắc rối do thị trường đã quá dựa dẫm vào việc nhà đầu tư sẵn lòng mua cổ phiếu với định giá cao.

"Một đặc điểm của thị trường chứng khoán những năm 1970 là lợi nhuận doanh nghiệp tăng mà giá chứng khoán đi ngang. Một trong những nguyên nhân lớn là lãi suất phi mã. Nhưng chứng khoán sẽ vấp phải thách thức lớn hơn nữa trong môi trường lạm phát kèm suy thoái".  

Giang

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.