|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

COVID-19 và nỗi sợ mới bủa vây thị trường chứng khoán Mỹ

14:57 | 20/07/2021
Chia sẻ
Đại dịch tái bùng phát cùng với lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc đã nhấn chìm thị trường chứng khoán Mỹ trong sắc đỏ vào phiên đầu tuần.
COVID-19 và nỗi sợ mới bủa vây thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

"Công chúng thức tỉnh"

Los Angeles đã áp dụng lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà. Sydney siết chặt các biện pháp phong tỏa. Một số vận động viên đến Nhật Bản để tham dự kỳ Olympics dương tính với COVID-19.

Phiên giao dịch 19/7, nhiều người đã nhận được lời nhắc nhở choáng váng rằng đại dịch COVID-19 chưa biến mất. Nhà đầu tư lo ngại tái bùng phát dịch sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và khiến chứng khoán đảo chiều nhanh chóng dù vừa mới lập đỉnh lịch sử tuần trước.

Ông Keith Lerner, Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services giải thích: "Công chúng đang thức tỉnh trước sự thay đổi của xu hướng COVID-19, đặc biệt là chủng delta. Chủng virus này thực sự khiến mọi người phải mở to mắt vào cuối tuần trước và ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Những con số đã bắt đầu xấu đi từ tháng trước và tôi không nghĩ khi đó mọi người đã nhận thức đủ về độ nghiêm trọng. Và khi số ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng thì một số bị bất ngờ".

Theo Bloomberg, ông Lerner nói thêm: "Khi có thêm sự không chắc chắn, một trong những bước đầu tiên nhà đầu tư làm là cắt giảm rủi ro. Chủng virus mới sẽ tác động thế nào đến quá trình mở cửa kinh tế trở lại? Ảnh hưởng ra sao tới du lịch?"

COVID-19 và nỗi sợ mới bủa vây thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh 2.

Biến động tăng vọt, cổ phiếu năng lượng, tài chính và công nghiệp kéo chỉ số S&P 500 giảm 1,6%. Chỉ số Dow Jones hứng đòn mạnh hơn, giảm 2,1% xuống 33.962 điểm. Chỉ số VIX, thước đo sự sợ hãi của thị trường, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2.

Nhà đầu tư quay trở lại với những cổ phiếu phục vụ cho xu hướng người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà. Rổ chứng khoán theo dõi những cổ phiếu kiểu này đánh bại những cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa kinh tế với chênh lệch ba điểm %, Bloomberg cho biết. 

Trong khi đó, bất kỳ cổ phiếu nào liên quan tới du lịch hay giải trí đều giảm giá. Chỉ số mô phỏng biến động ngành hàng không có lúc sụt tới hơn 6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020.

Tăng trưởng kinh tế đã đạt đỉnh?

Nhà đầu tư cho biết nhân tố đằng sau sự lao dốc nặng nề của thị trường chứng khoán Mỹ phiên 19/7 là hàng loạt nỗi lo về cuộc phục hồi kinh tế.

Chủng delta lây lan nhanh chóng làm dấy lên khả năng các quốc gia một lần nữa thi hành phong tỏa và nối lại lệnh hạn chế di chuyển. Cùng lúc, lạm phát tăng nóng hơn ước tính của nhiều người và căng thẳng Mỹ-Trung đã gây áp lực lên những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Trong vài tuần gần đây, nhà đầu tư đã bớt yêu thích những cổ phiếu gắn với việc mở cửa kinh tế. Nhiều người đã đoán trước rằng tăng trưởng từ nay về sau sẽ chậm lại. Tuy nhiên viễn cảnh rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc chỉ thực sự trở thành tiêu điểm vào phiên đầu tuần, với chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 chống chọi tốt hơn thị trường chung khi mất chưa đến 1%.

Ông Zhiwei Ren, Giám đốc danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management nhận xét: "Thị trường đang nói rằng nền kinh tế sẽ giảm tốc khá nhiều trong những tuần hoặc tháng tới".

Trong ba tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đã hiệu chỉnh theo yếu tố mùa vụ của Mỹ đạt 6,4%, chỉ cách 1 điểm% so với đỉnh đạt được hồi cuối năm 2019.

Các nhà kinh tế được khảo sát bởi tờ Wall Street Journal ước tính trong quý II/2021, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đã hiệu chỉnh theo yếu tố mùa vụ của Mỹ đạt 9,1%, mức nhanh thứ hai kể từ năm 1983. Lợi nhuận doanh nghiệp cũng được dự đoán là nhảy vọt.

Giới phân tích ước đoán lợi nhuận trong quý II của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 tăng gần 70% so với cùng kỳ - thành tích ấn tượng nhất trong hơn một thập kỷ.

Giờ đây một số nhà đầu tư tự hỏi: Có phải giai đoạn phục hồi kinh tế tốt đẹp nhất đã đi qua?

Các nhà kinh tế tin rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ nhiều khả năng đã đạt đỉnh vào mùa xuân năm nay và sẽ giảm xuống còn 6,9% cho toàn năm 2021. Đến năm 2022, tăng trưởng sẽ thấp hơn hẳn, còn khoảng 2,3%. Triển vọng ngày càng kém tích cực này đã tạo ra những động thái lớn trên thị trường chứng khoán.

Ông John Peter, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Mellon Investments cho biết: "Đó là những gì thị trường đang thực hiện… bắt đầu hấp thụ đỉnh tốc độ tăng trưởng và nhận ra rằng những số liệu đẹp đến vậy sẽ không thể kéo dài".

Tại những nơi khác trên thế giới, tăng trưởng cũng có vẻ sẽ chậm lại – có khả năng tạo ra thêm thách thức cho nhà đầu tư.

Giang

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện mức tăng lợi nhuận trên 70%, thêm ngân hàng lãi tỷ đô
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.