Dịch bệnh tái bùng phát nhiều nơi, Dow Jones cắm đầu giảm hơn 700 điểm
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 725,8 điểm, tương đương 2,1%, và đóng cửa ở 33.962 điểm. Tình trạng bán tháo diễn ra rộng khắp, tất cả 30 cổ phiếu thành viên đều chìm trong sắc đỏ. Trong phiên, đã có lúc Dow Jones giảm 946 điểm, sau đó hồi phục được một phần.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,6% còn 4.258 điểm. Nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính và công nghiệp lao dốc mạnh nhất.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 1,1%, đóng cửa ở 14.275 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Đây là chuỗi đi xuống dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 10 năm ngoái.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,17%, mức thấp nhất kể trong 5 tháng trở lại đây. Việc lợi suất xuống thấp càng làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế đang giảm tốc.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 1,5% trong phiên 19/7 và đã có lúc rơi vào vùng điều chỉnh, thấp hơn 10% so với đỉnh hồi tháng 3.
Theo CNBC, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ đang tăng mạnh trong tháng 7 do biến chủng delta lây lan nhanh giữa những người chưa được tiêm vắc xin. Trong 7 ngày từ 12 đến 18/7, Mỹ ghi nhận trung bình gần 26.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng mạnh so với khoảng 11.000 ca/ngày một tháng trước đó.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng có số ca nhiễm mới tăng vọt vì biến chủng delta.
Chỉ số biến động Cboe - thước đo sự sợ hãi của Phố Wall - có lúc tăng chạm mốc 25 điểm trong cơn bán tháo của thị trường, đây là mức cao nhất kể từ tháng 5 trở lại đây.
Cổ phiếu hàng không bị bán tháo mạnh khi nhà đầu tư đánh giá lại nhu cầu đi lại của người dân trong đại dịch. Delta Air Lines và American Airlines cùng giảm 4%, United sụt 5%.
Các cổ phiếu nhạy cảm với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng lao dốc. Boeing mất 5%, General Motors và Caterpillar cùng giảm khoảng 2%.
CNBC dẫn lời ông Mike Wilson, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Morgan Stanley, nhận định: "Thị trường có vẻ đã sẵn sàng chuyển sang tư thế phòng thủ trong bối cảnh lợi nhuận và hoạt động kinh tế đã chậm lại. Độ rộng thị trường đã sa sút trong nhiều tháng qua và là một tín hiệu xác nhận sự chuyển đổi giữa chu kỳ. Sự chuyển đổi này thường kết thúc bằng việc chỉ số điều chỉnh đáng kể (10-20%)".
Tỷ phú đầu tư Bill Ackman ngày 19/7 nói rằng sự lây lan của biến chủng delta không phải là một mối đe dọa lớn đối với quá trình tái mở cửa nền kinh tế do chủng delta có thể thúc đẩy quá trình tạo miễn dịch cộng đồng.
"Tôi hy vọng rằng chủng virus delta này sẽ khuyến khích những ai chưa tiêm vắc xin nhanh chóng đi tiêm. Tôi không nghĩ chủng delta sẽ thay đổi quá mạnh mẽ hành vi kinh tế. Theo quan điểm của tôi, mọi người sẽ thấy một đợt bùng nổ kinh tế khổng lồ, nền kinh tế vào mùa thu sẽ cực kỳ tươi đẹp", ông Ackman nói.
Giá dầu giảm khi nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và OPEC+ đã đồng ý dần dần ngừng chương trình giảm sản lượng. Dầu WTI tại Mỹ giảm 7,5% còn 66,42 USD/thùng.
Cổ phiếu đại gia dầu khí Exxon Mobil giảm 3,44%, ConocoPhillips mất 3,24%. Chứng chỉ quỹ ngành năng lượng Energy Select Sector SPDR giảm 4% và là nhóm giảm sâu nhất trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500.
Nhóm giảm mạnh thứ hai là ngành tài chính, khi chứng chỉ quỹ Financial Select Sector SPDR sụt 2,8%. JPMorgan giảm 3,2%, Bank of America cũng mất 2,6%.
Cổ phiếu công nghệ cũng không tránh khỏi xu hướng lao dốc chung. Apple và Alphabet cùng mất khoảng 2%. Số cổ phiếu giảm giá tại NYSE nhiều gấp gần 5 lần số cổ phiếu tăng giá.