'Tăng trưởng GDP quý III vẫn tiếp tục thấp, chưa nhiều chỉ báo cho thấy quý IV sẽ cải thiện đáng kể'
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nửa sau năm 2023, một số chỉ báo ngắn hạn cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thử thách.
Trong tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp phục hồi nhẹ, tăng 2,8% so với cùng kỳ so với mức tăng 0,5% trong tháng trước, nổi bật là sự cải thiện trong hoạt động sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, xe có động cơ, và dệt. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của các ngành xuất khẩu (gồm trang phục, da giày, gỗ, điện tử) vẫn tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng so với cùng kỳ.
Chỉ số PMI tháng 6/2023 tăng nhẹ lên 46,2 điểm, cao hơn 0,9 điểm so với tháng trước nhưng đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm.
Mặt khác, theo VDSC, trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm có dấu hiệu suy giảm. Doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 6/2023 chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,5% trong tháng trước.
Nguyên nhân là do hiệu ứng mức nền thấp mất dần ở nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch nhưng báo động hơn là doanh thu bán lẻ hàng hoá chỉ tăng 6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 11,0% của tháng trước.
Do mức nền cao của cùng kỳ năm trước và điều kiện của khu vực sản xuất không cải thiện nhiều trong khi khu vực dịch vụ đang có dấu hiệu suy giảm, VDSC nhận định tăng trưởng kinh tế quý III vẫn sẽ ở mức thấp, ước khoảng 3,5-4%.
Khối phân tích cũng cho biết hiện tại, chưa có nhiều chỉ báo để kỳ vọng bước cải thiện đáng kể trong tăng trưởng của quý IV.
Nhưng một số lạc quan nhất định gồm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng cải thiện nhờ chính sách, đầu tư công tăng tốc kết hợp với mức nền thấp của quý IV/2022, VDSC cho rằng tăng trưởng kinh tế quý IVsẽ là tốt nhất.
Các chuyên gia tại đây dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 4,5-5%, trong đó, tăng trưởng nửa cuối năm 2023 ước khoảng 5,2-6,1%, cao hơn so với mức tăng 3,7% của nửa đầu năm