|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% gần như bất khả thi nhưng quan trọng hơn hết là khả năng phục hồi của nền kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2024 và 2025.

Trước số liệu tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 4,14%, quý I đạt 3,32%, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra ngày 4/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khó khăn, thách thức đặt ra là rất lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cập nhật hai kịch bản tăng trưởng, trong đó nếu giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4% và quý IV đạt 10,3%. Còn nếu tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6% thì tăng trưởng quý III đạt 6,8% và quý IV đạt 9%.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 2 quý cuối năm mà Bộ KH&ĐT đưa ra. (Hạ An tổng hợp số liệu từ dự báo của Bộ KH&ĐT).

Cả hai mục tiêu này đều rất thách thức bởi khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng.

Trước bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thậm chí đã "tới đáy", chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam.

Thưa ông, theo số liệu mà Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu thể hiện rõ sự khó khăn của nền kinh tế như tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32%, quý II đạt 4,14% cách xa mục tiêu. Vậy nguyên nhân gì khiến tăng trưởng kinh tế thấp như vậy, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% liệu có thể đạt được?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Kết quả tăng trưởng thấp của 6 tháng đầu năm 2023 do vừa chịu nhiều yếu tố bất lợi từ nền kinh tế toàn cầu cũng như các tác động tiêu cực từ bên trong. Trong đó, yếu tố tác động tiêu cực lớn nhất gây sụt giảm tăng trưởng chính là xuất khẩu.

Nguyên nhân là do sự suy giảm nhu cầu từ tất cả các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam thể hiện rất rõ ràng trong nửa đầu năm nay bằng việc sức mua hàng Việt Nam giảm mạnh. Đặc biệt là Hoa Kỳ, thị trường chiếm 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu giảm tới 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc cũng giảm chứ không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng. Thị trường này từng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế được mở cửa trở lại nhưng thực tế không cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bị chững phải và đến gần đây, nước này mới thực hiện mạnh các chính sách kích cầu kinh tế chứ đó gần như không có một biện pháp gì để kích thích kinh tế ngoài bỏ chính sách Zero COVID-19.

Điều này khiến, sức mua với hàng Việt Nam giảm rất nhiều chứ không tăng để bù đắp lại các thị trường Mỹ hay EU như chúng ta kỳ vọng. Thị trường thứ ba là EU cũng có thể nói đã rơi vào suy thoái kinh tế. Đây là lý do tại sao theo ước tính của TCTK cho thấy, xuất khẩu giảm tới 12,8% trong 6 tháng đầu năm 2023.

 Nguồn: TCTK.

Xuất khẩu sụt giảm là yếu tố chính làm giảm tăng trưởng bởi tính lan toả của lĩnh vực này rất lớn. Nhìn thấy rõ, lĩnh vực kéo mức tăng trưởng xuống thấp là khu vực công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo mà khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề từ nhu cầu của các thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến chế tạo hầu như không có tăng trưởng, trong đó, hàng loạt ngành suy giảm, hầu hết hướng vào xuất khẩu như: Thiết bị, điện tử, linh kiện, may mặc, giày dép, chế biến thuỷ sản, nội thất,…

Xuất khẩu giảm do thiếu đơn hàng kéo theo chỉ số sử dụng lao động cũng giảm mạnh. Khi chỉ số  giảm thì không cần đến những con số thống kê cũng có thể thấy rõ nền kinh tế bị ảnh hưởng ra sao.

Tình hình khảo sát các doanh nghiệp cho thấy khi đơn hàng xuất khẩu giảm thì một tỷ lệ lớn lao động sẽ bị giảm giờ, giảm thu nhập, kéo theo sức mua hàng hoá nội địa cũng giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Với yếu tố trong nước, đây không phải nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhưng mặt bằng lãi suất cao và sự mất niềm tin của các doanh nghiệp khiến đầu tư tư nhân giảm cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP hai quý đầu năm thấp.

Yếu tố thứ ba là những khó khăn trong xây dựng và bất động sản. Thị trường bất động sản đóng băng, xây dựng cũng có tốc độ tăng trưởng rất thấp kéo theo nhiều ngành sản xuất, vật liệu xây dựng cũng giảm theo.

Đây là những yếu tố khiến tăng trưởng GDP hai quý đầu năm thấp như vậy. Căn cứ trên các số liệu quý I và quý II có thể khẳng định mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% gần như bất khả thi.

So sánh giữa các tháng, có xu hướng các chỉ số vĩ mô của tháng 5 và tháng 6 đã bớt tiêu cực so với các tháng trước đó. Liệu có căn cứ để khẳng định nền kinh tế đã vượt khỏi đáy hay chưa? 

Nếu như dựa trên các số liệu thống kê chính thức, có thể thấy rằng tình hình đã bớt xấu đi. Những yếu tố tiêu cực tác động đã giảm bớt nhưng tính bất định vẫn rất lớn.

Về xuất khẩu, mức độ giảm của xuất khẩu đã nhẹ bớt trong tháng 6, sức mua tăng nhẹ cũng như hàng tồn kho ở các thị trường chính đã giảm xuống. Từ đó, đã bắt đầu có những đơn hàng trở lại với xuất khẩu. Trước mắt, ở nửa cuối năm có khả năng xuất khẩu sẽ bớt xấu hơn hơn 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu vẫn tiềm ẩn rủi ro suy thoái và nếu thị trường EU tiếp tục suy thoái nặng hơn, Mỹ cũng tăng trưởng chậm lại thì xuất khẩu sẽ hồi phục nhưng khó có thể hồi phục nhanh chóng. Nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu, khi xuất khẩu hồi phục được thì việc làm cũng tăng lên, sức mua tại thị trường trong nước cũng có thể cải thiện.

Với yếu tố trong nước, những khó khăn nhất về mặt bằng lãi suất đã qua khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái rất quyết liệt trong việc hạ lãi suất. Đây là yếu tố tích cực tác động vào tăng trưởng kinh tế cuối năm bởi mặt bằng lãi suất có thay đổi cũng cần một độ trễ nhất định nên chưa thể hiện nhiều vào những tháng đầu năm mà phải quý III, quý IV mới có thể thấy rõ tác động.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực như, đầu tư của tư nhân sẽ rất yếu trong năm nay, dù mặt bằng có thay đổi cũng cần thời gian để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân cả đầu tư cố định lẫn đầu tư vốn lưu động. Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp vẫn rất yếu, chưa được cải thiện nhiều nên khó có sự bứt phá về đầu tư tư nhân.

Tổng vốn đầu tư tư nhân và FDI có xu hướng giảm duy chỉ có khu vực Nhà nước tăng cao. (Nguồn: TCTK).

Song một yếu tố chắc chắn 6 tháng cuối năm, tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ mạnh lên rất nhanh. Nhiều người có thể hơi bi quan về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm nhưng đấy là xu hướng mang yếu tố mùa vụ khá cao. Thông thường đầu năm chỉ giải ngân được 20-25%, chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công sẽ rơi vào quý III, quý IV. Đây sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế nửa cuối năm.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, dòng vốn đầu FDI tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng nhưng nhìn vào con số giải ngân cũng có những tín hiệu tích cực. Việt Nam cần làm gì để trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế? 

Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư nhưng chúng ta vẫn phải nhìn vào thực tế rằng sự hấp dẫn đó căn cứ vào đánh giá của các nhà đầu tư tiềm năng. Việc các đoàn khảo sát đến Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy mối quan tâm của họ với chúng ta, đơn cử như đoàn hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc vừa đến Việt Nam.

Câu chuyện về "chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng trong đó Việt Nam là một điểm đến" vẫn không hề thay đổi nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải ghi nhận những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đối với điểm đến Việt Nam là có thật.

Vấn đề lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề thực thi. Sự "án binh bất động" trong cấp phép, giải quyết vấn đề về pháp lý, thủ tục cho nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện đáng kể đáng kể. Đây vẫn là yếu tố tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Phải thừa nhận một thực tế rằng, những nước khác như: Indonesia, Ấn Độ, môi trường đầu tư kinh doanh của họ cũng hấp dẫn không kém Việt Nam. Vì vậy, nếu dự án vào mà không triển khai được thủ tục liên quan thì Việt Nam sẽ mất đi tính hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Công tác ngoại giao khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Việt Nam cũng vẫn là một điểm đến ổn định cả về kinh tế vĩ mô lẫn ổn định về chính trị nhưng rõ ràng cần phải thể hiện trên việc thực thi thì mới giữ chân được các nhà đầu tư.

Đồ hoạ: Alex Chu.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,5% có có thể đạt được nhưng nếu nhìn xa hơn, những yếu tố nào tạo động lực đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn những năm tiếp theo?

Năm nay có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng quan trọng hơn hết là khả năng phục hồi của nền kinh tế để vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2024 và 2025. Vấn đề này đương nhiên là thách thức rất lớn.

Nền kinh tế toàn cầu có thể sang 2024 vẫn yếu, trong khi đó ở trong nước, thị trường bất động sản sẽ bớt khó nhưng bất động sản không phải một lĩnh vực có thể phục hồi nhanh chóng "một sớm một chiều" mà ít nhất có thể phải mất tới hai năm để thị trường hồi phục.

Trong điều kiện này, yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức là việc giữ sự ổn định của hệ thống tài chính, không những ổn định mà còn phải vững mạnh.

Nếu không, trong điều kiện kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực mà hệ thống tài chính lại bất ổn, hệ thống ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì khó có thể kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức cao thậm chí cả năm 2025 .

Nếu muốn vượt qua những thách lớn của nền kinh tế cần giữ được sự vững mạnh của hệ thống tài chính, ngân hàng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể phục hồi trong nửa cuối năm nay và có thể trở lại đà tăng trưởng tốt trên 6,5% trong năm 2024 và 2025.

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng nữa là việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới năm 2024, 2025. Cần tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện đầu tư công, không chỉ mỗi năm nay mà còn phải phải ngân sách như vậy trong hai năm tới thì mới có tốc độ tăng trưởng tốt.

Nội dung: Hạ An, Đồ hoạ: Alex Chu.