Tăng cường xử phạt các hãng hàng không chậm, hủy chuyến
Bộ GTVT đang lấy ý kiến nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2021.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông theo nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc về cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một thành viên tham gia vào quá trình soạn thảo và cam kết thực hiện nhằm kéo giảm tai nạn giao thông năm 2020 xuống mức bằng 50% so với năm 2011.
Trong các cuộc họp gần đây, bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với các hãng hàng không chậm, hủy chuyến. Ảnh: Internet |
Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu đối với lĩnh vực đường bộ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn và sử dụng ma túy, quy định về tốc độ, tải trọng, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây đai an toàn và sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh khi điều khiển phương tiện cơ giới.
Dự thảo nghị định giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ liên quan nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật và ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý các vi phạm tốc độ, đặc biệt là dùng camera giám sát tốc độ trong xử phạt nguội; ứng dụng các công nghệ để quản lý tốc độ phương tiện…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các thành phố tập trung mọi nguồn lực ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen về an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tại các giao cắt giữa đường phụ và đường chính, các đường ngang trong năm 2018-2019.
Về lĩnh vực đường sắt, dự thảo này yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ lập dự án khả thi đường sắt tốc độ cao, trình Chính phủ và Quốc hội. Trong đó, làm rõ các điều kiện và ưu tiên khả thi để phát triển nhanh hệ thống đường sắt quốc gia.
Đối với hàng không, dự thảo nghị định giao Bộ GTVT giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, tăng cường chế tài xử phạt hành chính về chậm, hủy chuyến. Đồng thời, tăng cường khả năng bảo mật và phản ứng với các sự cố đe dọa an toàn hàng không. Đặc biệt, ưu tiên phát triển các phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn kết nối đến các cảng hàng không chính, đặc biệt là đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, xe buýt và xe buýt nhanh.