Tăng biện pháp xử phạt trên thị trường UPCoM
Theo quy chế mới do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ban hành, các biện pháp quản lý, giám sát đối với công ty đăng ký giao dịch được nâng từ hai mức độ (tạm ngừng giao dịch và hạn chế giao dịch) lên thành 4 mức độ (nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, tạm dừng giao dịch, hạn chế giao dịch và đình chỉ giao dịch.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường khi chậm công bố thông tin quá 30 ngày đối với báo cáo tài chính (BCTC) năm đã kiểm toán hoặc BCTC bán niên đã soát xét.
Doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng giao dịch tối đa 5 phiên khi xuất hiện một trong số các trường hợp: giá, khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường; chậm công bố thông tin quá 45 ngày đối với BCTC năm; không công bố thông tin về họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên trong thời gian 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính; không công bố thông tin bất thường đối với các thông tin trọng yếu có liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty đại chúng cũng sẽ bị hạn chế giao dịch khi bị âm vốn chủ sở hữu; ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ một năm trở lên; có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm gần nhất; có chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết và chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết.
Công ty sẽ bị đình chỉ giao dịch trong trường hợp: không xác định được trụ sở chính theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc hồ sơ đăng ký giao dịch chứa đựng những thông tin sai lệch nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, quy chế cũng bổ sung các điều khoản quy định về về giới hạn dao động giá để xử lý các trường hợp đặc biệt khi đưa chứng khoán vào đăng ký giao dịch như trường hợp sau khi tính toán, giá trần và giá sàn bằng giá tham chiếu, hay trường hợp giá tham chiếu rất nhỏ, bằng 100 đồng.
Theo HNX, trước đó, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg và Thông tư 115/2016/TT-BTC với chủ trương gắn đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch đã tạo cú hích cho UPCoM, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng về quy mô. Trong vòng chưa đầy 2 năm (từ tháng 12-2015 đến tháng 6-2017), số lượng doanh nghiệp đã tăng hơn 2,2 lần, từ 256 doanh nghiệp lên 571 doanh nghiệp. Vốn hóa thị trường đạt 440 nghìn tỉ đồng, gấp 2,4 lần so với thị trường niêm yết. Thanh khoản của thị trường đã cải thiện rất nhiều, hiện đạt mức 200 tỉ đồng/phiên.
Các doanh nghiệp trên UPCoM có quy mô vốn trải rộng từ vài chục tỉ đồng đến hàng nghìn tỉ đồng, như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, Tổng Công ty Thép Việt Nam... Các ngành nghề cũng phong phú, bao phủ rộng khắp các lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh đến thương mại, dịch vụ. Chất lượng doanh nghiệp cũng đủ loại từ rất hiệu quả, lãi cao cho đến các doanh nghiệp thua lỗ nặng nề. Những điều này đã tạo nên sự khác biệt, tính đa dạng của thị trường UPCoM và tính phức tạp trong hoạt động giám sát cũng vì thế mà tăng lên.