6% nhân sự có nguy cơ 'ra đi' khi tân CEO Amazon lên nắm quyền
Theo tờ Business Insider, Amazon là công ty sở hữu một hệ thống đánh giá hiệu suất làm việc phức tạp, cái mà các nhân viên cho rằng bắt nguồn từ văn hóa "stack-ranking" (tạm dịch: phân loại nhân viên theo hàng, không quan tâm đến hiệu quả thực tế).
Ở Amazon có một phần rất quan trọng trong quá trình đánh giá nhân sự là "tỷ lệ tiêu hao không cần cố gắng" (URA). Đây là khái niệm dành cho phần trăm nhân viên mà công ty sẽ không phải bận lòng khi họ rời công ty, bất kể tự nguyện hay cách nào khác.
Thậm chí, cả những nhân sự cấp cao nhất tại Amazon, bao gồm cả tân CEO Andy Jassy cũng theo dõi URA, theo tài liệu nội bộ của Amazon mà tờ Business Insider có được.
Ví dụ, ông Jassy có "6% chỉ tiêu" cho URA, điều này đồng nghĩa rằng ông Jassy mong muốn khoảng 6% nhân sự trong đội ngũ của ông rời đi mỗi năm mà "không cần phải hối tiếc", bao gồm những người tự nguyện ra đi và cả những ai bị sa thải vì hiệu quả công việc thấp.
Và nó bao gồm các giám đốc điều hành và nhà quản lý nhưng không rõ mức mà một lãnh đạo tại Amazon có thể nhận được chỉ tiêu URA. Một số nguồn tin cho biết có một vài nhân vật trong công ty có thể nhận con số URA cao hơn ông Jassy.
Phía Amazon cũng đã có phủ nhận thông tin về URA với Business Insider nhưng không đưa ra lời giải thích chi tiết.
Các tài liệu nội bộ cho thấy ông Jassy và các giám đốc điều hành khác cũng theo dõi một chỉ số gọi là "tỷ lệ không hối tiếc hiện tại" là bảng thống kê tỷ lệ phần trăm nhân viên mà công ty không lo ngại việc họ rời đi.
Bên cạnh đó, một chỉ số khác là "khoảng cách hiện tại tới mục tiêu" chỉ số nhân sự cần được ra đi để đạt URA.
Việc theo dõi URA giúp các nhà quản lý làm mới nhân sự bằng cách đưa những người mới vào và loại bỏ những nhân sự không làm được việc. Tuy nhiên, có một số người đã đặt ra hoài nghi về chỉ tiêu URA, đặc biệt là khi không có đủ nhân sự để đáp ứng chỉ tiêu.
Khi đó, nhà quản lý sẽ không còn cách nào khác ngoài việc phải loại bỏ những nhân viên có hiệu suất thấp, ngay cả khi họ đang làm việc không quá tệ. Đây được xem là một nỗi ám ảnh với nhân viên Amazon vì họ được xếp hạng trên một đường cong theo hệ thống xếp hạng 5 thang.
Và những người có thành tích thấp nhất có thể trở thành nạn nhân của URA nếu người quản lý cần phải làm để "đạt chỉ tiêu".
Tờ Business Insider cũng nhắc đến việc tài liệu nội bộ của Amazon tiết lộ rằng các giám đốc điều hành của Amazon đã tuân theo một cái gọi là "tỷ lệ hao mòn đáng tiếc", chỉ số đại diện cho phần trăm nhân sự không hài lòng về việc phải ra đi. Con số đó được chia nhỏ theo nhiệm kỳ, cấp bậc và khu vực cũng như "lý do chấm dứt".